Thứ Năm, 25 tháng 10, 2018

Trần Việt Hà - Nhân đọc Bên trong thành phố

Ths Trần Việt Hà
Giáo viên Trường THPT Phạm Quang Thẩm
Vũ Thư, Thái Bình




Những chênh chao “phẳng, nghiêng” trong thơ 
Phan Thanh Bình


TVH - Đọc thơ Phan, tôi chợt nghĩ đến một ý của cổ nhân đã dạy “Thơ hợp với chân chất, không hợp với khéo léo, nhưng phải là cái chân chất của sự khéo léo lớn”. Không phải già đời bút, sao kín kẽ tình như thế được.

"Thế giới phẳng"
Tâm hồn ta nghiêng
Làm sao vượt qua vách đá cuộc đời?

Đọc mấy dòng thơ trong tập thơ đầu tay cùng tên Phẳng & Nghiêng của nhà thơ xứ Bình Thuận Phan Thanh Bình (Thy Sinh), không riêng tôi, ai cũng dễ dàng nhận thấy giọng chủ của thơ anh là nỗi niềm trở trăn, suy cảm đau đáu và đắng đót về cõi người và cõi mình. Tuy nhiên, phải đến khi đọc bài thơ Bên trong thành phố gần đây, cảm giác thế sự chênh chao “phẳng, nghiêng” mới đạt đến độ thấm.

Những dịu dàng đang chực hòa tan
màu xỉn vàng đêm qua
loang loáng ở trạm xăng
ở nhà chờ xe bus

Câu thơ mở đầu dài như một hơi thở buồn hụt hẫng. Từ miền quê Bình Thuận, Phan Thanh Bình đến thành phố Hồ Chí Minh tấp nập, hòa chung trong cuộc mưu sinh đầy áp lực. Nhà thơ cảm nhận rõ sự mờ nhòa và biến mất của những nét người “dịu dàng” mong manh giữa phồn tạp đô thị lớn, nhất là ở những “trạm xăng, nhà chờ xe bus”, nơi mà con người chỉ cốt sao cho nhanh, cho xong, cho kịp, dù im lặng chen lấn. Cái nền văn hóa dân dã quê kiểng thân thiện, nhiệt thành của biết bao người bỏ quê xuống phố, giờ vấp phải nhịp sống phố thị đậm đặc không chỉ thấy lạc lõng mà còn thêm phần e ngại lo lắng nữa.

những đứa trẻ xổ số kiến thiết 
những người đàn bà xổ số kiến thiết
những tôi trong căn nhà đệm khí

những không phải tôi còn sõng xoài mê ngủ

có thể nào bay bằng đôi cánh phòng ngự
gấp phẳng phiu 
càng gấp vào càng nhỏ

Trước những số phận bé mọn đang chen chân nhau để giành giật lấy cơ hội sống, không gian thơ trở nên ngột ngạt đến tức thở. Không chỉ “những đứa trẻ, nhưng người đàn bà” mà chính nhân vật trữ tình “tôi” cũng cảm thấy hụt hẫng và chới với. “Những tôi” hay “những không phải tôi còn sõng xoài mê ngủ” đang mất dần lợi thế và đuối sức, kiệt sức khi “đôi cánh phòng ngự” cố thu mình chống đỡ “càng gấp vào càng nhỏ”. Câu thơ có cảm giác, mỗi số phận trong thơ đang cố cất tiếng kêu cầu cứu rỗi nghẹn ngào, không thành tiếng: “trong sự reo hò biến hình của đám đông/ vẫn nghe được tiếng thút thít/ yếu dần và tắt lịm / từ ngôi nhà tuềnh toàng cuối hẻm cụt”. Con chữ của Phan Thanh Bình như ngấn theo dòng lệ nơi đầu ngọn bút.

Bên trong thành phố, những thanh âm chói chang hối thúc hay não nề buồn thảm vẫn không ngừng công phá đời sống con người và cuốn theo bao số phận vật vã “tiếng xe cứu thương thúc còi đánh thẳng vào lồng ngực”, nhà thơ nhìn thấy một thế cuộc ngày càng hỗn loạn, bất ổn “ván cờ đã mất tướng sĩ tượng xe pháo mã/ chỉ còn hàng triệu quân tốt/ con nào/ cũng muốn sang sông thật nhanh/ trở về thật nhanh”, với một tâm thức hiện sinh hiện hữu trong từng gương mặt người sống và cả người chết nữa: “chiếc xe tang chầm chậm rời nhà đại thể/lặng lặng tới nhà thờ hoặc chạy thẳng đến nơi chôn cất/sự chết nguệch ngoạc như sự sống/loài chim chẳng bao giờ có ý thức thẳng hàng”. Trong thế giới vô cảm ấy, mỗi con người luôn cảm thấy sự ngột ngạt bức bối không diễn tả nổi: “tôi cấp cứu ý tưởng chưa thể viết ra, chẳng thể nào diễn dịch/sự đơn điệu khi em không ở đây/ đã cắt bớt của tôi một buồng phổi”. Ngay cả nhân vật trữ tình cũng thấy sự tồn tại vô duyên vô vị của mình trước cuộc sống, chẳng biết làm gì và chẳng thiết tha gì bởi dẫu cố gắng thế nào vẫn chỉ là một sự bế tắc lạc hướng mà thôi: “Anh không được phép buồn, anh không được phép vui/bởi khuôn mặt anh đang làm người đại diện/ (chẳng biết đại diện cho ai)”… Ở thế giới phẳng nghiệt ngã ấy, trước mọi sự bừa bộn, không lối thoát, tâm hồn con người cũng ngả nghiêng chao đảo theo. Những câu thơ của Phan Thanh Bình khi dài khi ngắn, day dứt trăn trở, vặn vẹo hổn hển nặng nhọc như kiếp người đang hấp hối vậy.

Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở đó, bài thơ sẽ chìm trong quên lãng. Bởi nếu cần sứ mệnh tả thực, lột mặt nạ thì văn xuôi làm tốt hơn nhiều. Điều nhân văn đáng nói là giữa cuộc sống đô thị vô thường ấy, nhà thơ nhận thấy chỉ có tình yêu chính là phép nâng đỡ nhiệm màu giúp con người “vượt qua vách đá cuộc đời?”:

bây giờ anh đang nhớ em
cái nắm tay đi từ chiều đến tối trong thị trấn nhỏ 
những con đường mang tên danh nhân
họ đã sống như một triết lý 
như lời giải thích rõ ràng cho chúng ta về một loại cây rừng

anh là loài dây leo
em là loài thảo mộc
muông thú tìm anh làm thức ăn
tìm em làm vị thuốc
cái chết sẽ chẳng bao giờ hoang lạnh

Con người càng ý thức về sự nhỏ nhoi yếu đuối của mình thì càng khao khát tìm kiếm nhau. Những cảm xúc tình yêu chân thành chính là sợi giây thiêng kết nối và cân bằng lại những khủng hoảng, được mất và hoài nghi trong cuộc sống: “giữa hỗn độn ngôi/giữa hỗn độn từ/hạnh phúc của những người đang yêu là thẩm quyền được giải thích về nhau.". Chất thơ đáng yêu của cuộc sống được thi sĩ ém nhẹm đến tận phút cuối cùng đã làm cho ý thơ có hậu, đọc sáng cả lòng.

Bên trong thành phố khác với khá nhiều bài thơ tình khác của Phan Thanh Bình vốn mang chất thơ trong sáng, lời thơ nồng nàn, sâu lắng, hồn nhiên và da diết. Ở bài thơ này, nhà thơ đã khéo gài bẫy người đọc về chất thế sự nồng nã suốt ba phần tư dung lượng, chỉ hé gợi chút chân tình cuối cùng nhưng đủ làm rung động trong lòng người đọc khó tính nhất. Đọc thơ Phan, tôi chợt nghĩ đến một ý của cổ nhân đã dạy “Thơ hợp với chân chất, không hợp với khéo léo, nhưng phải là cái chân chất của sự khéo léo lớn”. Không phải già đời bút, sao kín kẽ tình như thế được.

Viết xong ngày 19 tháng 3 năm 2017
Trần Việt Hà

Bài thơ Bên trong thành phố

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét