Người đàn bà với giò phong lan
Người đàn bà đã ly hôn
Khao khát tình yêu
Sợ lời có cánh.
Chị chăm những giò phong lan mang về sau
những chuyến đi xa.
Những chuyến đi một mình
Kỳ thú trước thiên nhiên
Buồn riêng một góc.
Chị chờ lan ra hoa
Lần sau chờ lâu hơn lần trước
Những giò phong lan vẫn cứ xanh
Đợi niềm hy vọng.
Tôi không thể cho chị một điều ước
Nhưng tôi sẽ chỉ cho chị
Bí quyết để lan ra hoa.
2015
Phan Thanh Bình
LỜI BÌNH CỦA TUỆ MỸ
Trong những khát khao của người phụ nữ, có lẽ khát khao lớn nhất của họ là tìm được một nửa của mình, tìm được hạnh phúc, tình yêu đích thực. Có người dù bị vấp ngã trên con đường kiếm tìm hạnh phúc nhưng cũng không chùng bước. Nữ sĩ Xuân Quỳnh đã từng bộc bạch nỗi lòng mình: "Em trở về đúng nghĩa trái tim em/Biết làm sống những hồng cầu đã chết". Đâu phải chỉ có phụ nữ mới hiểu lòng phụ nữ, nam giới cũng rất đồng cảm với phụ nữ về khát khao này, trong đó có nhà thơ Phan Thanh Bình với bài thơ Người Đàn Bà Với Giò Hoa Phong Lan.
Đó là :
"Người đàn bà đã ly hôn
Khao khát tình yêu"
Không phải đến lúc này người đàn bà đó mới "khao khát tình yêu" mà chắc chắn khi còn là thiếu nữ, chị cũng giống như cô gái trong bài hát này "Có người con gái buông tóc thề/Thu về e ấp chuyện vu quy"(Nỗi buồn gác trọ). Ước mơ vu quy chị đã đạt được nhưng tìm được một nửa của mình thì chưa. Vì nếu đã tìm được thì làm sao có chuyện "ly hôn". Ly hôn, chị lại trở về điểm xuất phát với trái tim tan nát. Nếu suy ngẫm về "Điều được mất xảy ra trong chớp mắt"(Phan Thanh Bình) thì hoàn toàn đúng với chị trong lúc này. Nhiều người phụ nữ không may rơi vào hoàn cảnh như chị, họ có nhiều cách giải quyết khác nhau. Có người thì "Từ rày khép cửa phòng thu" (Truyện Kiều), có người quyết đóng cửa trái tim bằng cách tìm đến tôn giáo. Nhưng riêng chị thì không. Chị quyết "trở về đúng nghĩa trái tim em/Làm sống lại những hồng cầu đã chết" (Xuân Quỳnh), tiếp tục dấn thân vào con đường tìm kiếm tình yêu đích thực. Vì nỗi "khát khao tình yêu" vẫn luôn cháy trong lòng chị. Nhưng lần kiếm tìm này khác với lần trước. Chị dè dặt hơn. Chị "sợ lời có cánh". Nhà thơ cũng đã có lần nghe chị kể :
"Em sợ đi qua những cuộc tình
Lời gian dối ngọt ngào làm em không thể cưỡng"
(Người đàn bà kể - Phan Thanh Bình)
Sợ những "lời có cánh" đó "không làm em hạnh phúc" mà chỉ "càng làm tấy vết thương em" (Người đàn bà kể). Chị sợ là phải vì "Một lần ngã là một lần bớt dại" (Tố Hữu) mà. Do vậy chị phải chờ đợi chứ không vội vàng như lần trước. Nhưng phải chờ đến bao giờ mới tìm được tình yêu đích thực? Chị không biết được nên chỉ nuôi "niềm hi vọng" mà thôi. Niềm hi vọng đó chị gửi gắm vào một loài hoa:
"Chị chăm những giò phong lan mang về sau những chuyến đi xa."
Trong muôn nghìn loài hoa, tại sao chị không chọn loài hoa nào khác để gửi gắm nỗi lòng mà lại chọn hoa phong lan? Đến đây, ta chợt nhớ lời một bài hát "Như hoa phong lan chờ đợi. Mưa gió không phai tàn" và lời thơ "Lộng lẫy phong lan phô cánh ngọc/Xinh tươi"đóa gió" lộ bông ngà" (Lê Trường Hưởng). Đó là lý do. Chọn phong lan để gửi gắm nỗi lòng phải chăng chị muốn khẳng định: Chị, vẫn còn đây vẻ "xinh tươi", lộng lẫy "tràn đầy sức sống". Chị, vẫn còn đây nỗi khát khao và niềm hi vọng bền chặt với thời gian như hoa phong lan "Mưa gió không phai tàn". Chị quả là người phụ nữ mạnh mẽ, quyết đoán! Chủ động đi tìm hạnh phúc tình yêu cho mình dù phải trả một giá đắt bằng sự đợi chờ:
"Chị chờ lan ra hoa
Lần sau chờ lâu hơn lần trước"
Dù "lần sau" có "lâu hơn", chị vẫn kiên trì chờ đợi chứ không vội vàng như lần trước nữa. Có ai đã từng nếm trải sự đợi chờ mới hiểu nó mòn mỏi như thế nào, khắc khoải ra làm sao, có khi phải rơi vào tuyệt vọng. Nhưng với chị thì không :
"Những giò phong lan vẫn xanh
Đợi niềm hi vọng"
Mặc dù lan chưa ra hoa, hạnh phúc tình yêu đích thực chưa đến với chị nhưng trong mắt chị "Những giò phong lan vẫn xanh" vì nó cùng chị "Đợi niềm hi vọng" mà.
Cảm thông với nỗi chờ mong của chị,"tôi" đã hứa :
"Tôi không thể cho chị một điều ước
Nhưng tôi sẽ chỉ cho chị
Bí quyết để lan ra hoa."
Nói đến "điều ước" người ta nghĩ ngay đến cổ tích. Chỉ có điều ước cổ tích mới dễ dàng có được. Ước gì được nấy, đã ước là có ngay. Không cho chị điều ước nghĩa là không mang lại hạnh phúc cho chị ngay được. "Nhưng tôi sẽ chỉ cho chị/Bí quyết để lan ra hoa". Không phải "cho" mà là "chỉ". Chỉ "bí quyết để lan ra hoa" nghĩa là chỉ cách tạo nên hạnh phúc. Thương chị, tại sao không trực tiếp mang lại hạnh phúc cho chị mà chỉ chỉ cách tạo dựng hạnh phúc thôi ? Trả lời câu hỏi này, người đọc phải suy ngẫm về một vấn đề triết lý: nên chỉ người ta cách tạo dựng hạnh phúc thì hạnh phúc đó mới có ý nghĩa đích thực và bền vững. Và hạnh phúc không phải tự nhiên mà có, không phải muốn là có được ngay. Muốn có hạnh phúc phải chính tay mình làm nên. Ba dòng thơ cuối đã mang đến cho người đọc bài học triết lý sâu sắc về ý nghĩa của hạnh phúc. Bài thơ được khép lại bằng "Bí quyết để lan ra hoa" nhưng lại mở ra cho người đọc nhiều liên tưởng về hạnh phúc. Hình ảnh "lan ra hoa" cũng đã gợi lên bao điều tốt đẹp về hạnh phúc. Hạnh phúc là hương, là hoa, là giá trị tinh thần cao quý mời gọi con người tìm đến và phải biết trân trọng giữ gìn khi đã có trong tay. Thế mới thấy thơ Phan Thanh Bình không chỉ giàu chất trữ tình mà còn đậm màu triết lý. Hình tượng thơ trong thơ anh không chỉ giàu sức gợi mà còn giàu ý nghĩa biểu trưng.
Bài thơ kể về chuyện buồn của người đàn bà mải tìm tìm hạnh phúc tình yêu lại được kết thúc bằng tín hiệu vui "Bí quyết để lan ra hoa". Đây là một kết thúc có hậu đậm tính nhân văn. Bởi thế "Bí quyết để lan ra hoa" như ánh hào quang tỏa rạng cả bài thơ .Đó là ánh sáng của tình yêu thương, của sự cảm thông sâu sắc đối với số phận con người bất hạnh. Đó là ánh sáng kỳ diệu của "điều ước" về hạnh phúc mà "tôi" muốn mang đến cho họ bằng "Bí quyết để lan ra hoa". "Bí quyết" thường gợi ra những điều bí ẩn và luôn đặt ra nhiều câu hỏi lớn cho con người trên con đường kiếm tìm hạnh phúc. Điều đó còn cho thấy con đường đến với hạnh phúc thật lắm gian nan. Nhưng không sao bời "Nếu tìm, em sẽ nhận ra ngay" (Phan Thanh Bình).
Nhận xét về thơ Phan Thanh Bình có nhiều bạn đọc nói "Đọc thơ Phan Thanh Bình, với những điều giản dị được cô đúc thành triết lý sống mang hương đời da diết" (Nguyễn Văn Song), "Tôi cảm thấy được nỗi buồn trong thơ anh được gỡ bỏ một cách rất đàn ông nhẹ nhàng, êm ái và cũng không kém phần dứt khoát" (Hà Tâm). Người Đàn Bà Với Giò Hoa Phong Lan là một trong những bài thơ được đón nhận những lời nhận xét đó.
16-8-2015
Tuệ Mỹ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét