Tuệ Mỹ
Giáo viên văn cấp Trung học cơ sở
đã nghỉ hưu. Hiện ở Tuy Phước - Bình Định.
TM - Khoảng sân trước nhà là một biểu hiện của cái "nghiêng" trong tâm hồn chồng vợ đã được cứu vãn bằng cái "giật mình" quý giá? Người đọc đón nhận Khoảng sân trước nhà như đón nhận một bông hoa thơm để tô điểm thêm cho ngôi nhà hạnh phúc của mình.
Khoảng sân trước nhà
đi làm về, em vứt hư vô ở đấy
anh đi làm về cũng vứt hư vô ở đấy.
Hàng xóm nói lại :
"Khi anh chị vắng nhà, tôi nghe có tiếng cãi nhau"
giật mình
lâu rồi chồng không thơm vợ
rùng mình
vợ đang có điều gì khó nói
để hư vô chồng vợ cãi nhau
ngay trong sân nhà mình.
2015
Phan Thanh Bình
(Rút từ tập thơ Phẳng & Nghiêng)
Lời bình của Tuệ Mỹ
Phan Thanh Bình là nhà thơ đương đại. Sáng tác của anh thường hướng về cuộc sống đời thường với tình yêu đôi lứa, với những đồng cảm sẻ chia những số phận cuộc đời bất hạnh. Ngòi bút của anh phần lớn đi sâu phản ánh những phức tạp trong đời sống tình cảm con người mà nhất là đời sống tình cảm vợ chồng. Bài thơ Khoảng sân trước nhà được rút ra từ tập thơ Phẳng & Nghiêng của anh là một bài thơ hay viết về đề tài này.
"Khoảng sân trước nhà" là một không gian nghệ thuật được tác giả chọn để thể hiện chủ đề bài thơ nên ngay từ đầu hình ảnh này đã xuất hiện rất tự nhiên. Điều gì xảy ra ở nơi đây?
em đi làm về vứt hư vô ở đấy
anh đi làm về cũng vứt hư vô ở đấy
Lúc "đi làm về" là lúc con người phải trải qua trạng thái mệt mỏi sau một ngày vất vả chạy tìm, toan lo cơm áo gạo tiền cho gia đình. Lúc này cáu giận, bực dọc... là điều không tránh khỏi. Nếu vợ chồng không sẻ chia, không thấu hiểu, không đồng cảm yêu thương thì nhất định sẽ xảy ra cãi nhau. Có lẽ tất cả cái "không" nêu trên được tác giả khái quát bằng một từ "hư vô". Vậy, lúc đi làm về Em và Anh đều "vứt hư vô ở đấy" nghĩa là vợ chồng đã cãi nhau trong sân nhà mình.
Thế rồi:
"- Khi anh chị vắng nhà,tôi nghe có tiếng cãi nhau"
"Hàng xóm nói lại" phải chăng đó là tiếng vọng về của tâm thức chồng vợ trong giây phút nhìn lại mình để nhận ra hậu quả của "hư vô chồng vợ cãi nhau". Hóa ra khi cãi nhau, trong tâm thức chồng vợ vẫn ẩn hiện cái hậu quả: tai tiếng, đỗ vỡ gia đình. Tiếng vọng đó đã thức tỉnh con người khiến cho chồng "giật mình/Lâu rồi không thơm vợ". Có người vợ nào mà không muốn chồng "thơm" yêu thương, âu yếm, vỗ về? Có người vợ nào mà trong bao lo toan, nhọc nhằn vì chồng, vì con mà không muốn chồng mình "thầm hỏi" sẻ chia, thấu hiểu như thế này:
"Anh ghì lấy bao nỗi lo toan đôi vai em gầy nhỏ
Anh thầm hỏi đôi vai em thôi."
(Thương em - Mai Văn Phấn)
Vậy mà bấy lâu nay Anh đã "không" làm vậy.Anh đã "vứt" nó vào "hư vô".
Còn vợ, lời "hàng xóm" cũng đã làm "rùng mình/vợ đang có gì khó nói" với chồng. Có bao giờ gần gũi, trò chuyện tâm tình với chồng đâu mà không "khó nói" những điều mình trăn trở. Vợ có biết không bất kỳ người chồng nào cũng muốn nghe vợ nói với mình câu này:
"Anh yêu ơi hãy tha lỗi cho em
Nếu đôi lúc giận hờn anh vô cớ
Những bực dọc trong ngày vất vả
Làm em buồn mà anh có vui đâu"
(Xuân Quỳnh)
Nếu người vợ nào cũng như thế thì chắc không có điều gì là "khó nói". Nhưng bao lâu nay em cũng đã "vứt" nó vào "hư vô" .
Dẫu biết rằng "Em là em,anh vẫn cứ là anh/Có thể nào qua Vạn lý trường thành/Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật" (Xuân Diệu) nhưng đã là vợ chồng thì phải có chung một nỗi niềm, có cùng một đích đến đó là gia đình, con cái, tương lai. Tổ ấm gia đình, cả vợ lẫn chồng phải có trách nhiệm xây dựng, vun đắp nên. "Anh đi làm" Em cũng "đi làm" chẳng phải vợ chồng đã cùng nhau hướng tới cái đích xây dựng gia đình no đủ về vật chất? Nhưng vật chất đầy đủ mà tinh thần lại thiếu thốn thì liệu gia đình có hạnh phúc hay không? Nếu chồng vợ cứ luôn "cãi nhau" thì làm sao có khái niệm hạnh phúc gia đình?. Vậy thì vợ chồng phải làm sao để duy trì hạnh phúc? .Trong bài thơ Tấm Vé Một Chiều nhà thơ Phan Thanh Bình cũng đã hé lộ bí quyết này:
"Đôi khi đời mệt mỏi chạy loanh quanh
Tôi có cáu thì em luôn biết nhịn
Đêm tôi thức, em cùng ngọn đèn thức
Vì ngày mai, vì cả những ngày sau"
Và:
"Tôi giả lả làm hòa khi có lỗi
Em bật cười trên khuôn mặt trang nghiêm."
Phải, trong cuộc mưu sinh vì cuộc sống gia đình, ai mà không mệt mỏi, không cáu, không giận hờn? Nhưng vợ chồng phải biết nhịn, biết làm hòa khi có lỗi để cho tiếng cười hạnh phúc bật lên sau bao nỗi toan lo gia đình. Lẽ ra điều này vợ chồng phải biết khi mới chung sống nhưng Anh và Em đã vứt nó vào hư vô để xảy ra "chồng vợ cãi nhau/ ngay trong sân nhà mình". Với cụm từ "ngay trong sân nhà mình" có phải nhà thơ muốn nhấn mạnh: những bất đồng dẫn đến đổ vỡ gia đình là do chính bản thân chồng vợ gây nên chứ không phải do nguyên nhân nào khác. Sở dĩ có sự cãi nhau vì mỗi người luôn xem cái tôi của mình quá lớn, không biết nhường nhịn nhau. Đến khi nghe lời hàng xóm nói, chồng mới giật mình tỉnh ngộ, vợ mới rùng mình sợ hãi. Liệu cái giật mình, rùng mình của họ có muộn chăng? Chưa đâu. Đó là cái giật mình kịp thời, cái rùng mình đúng lúc. Giây phút giật mình, rùng mình là giây phút con người biết dừng lại trong cuộc đua chen giữa bao bộn bề cuộc sống để nhìn lại mình mà suy ngẫm về hành xử của mình để nhận ra lỗi lầm mà điều chỉnh đúng lúc. Mâu thuẫn vợ chồng có thể dài theo năm tháng còn cái giật mình dù chỉ diễn ra trong khoảnh khắc thôi nhưng cũng kịp cứu vãn hạnh phúc gia đình đang đứng bên bờ vực thẳm. Cái giât mình, rùng mình của họ lúc này quý giá biết bao! Vì trong thực tế, có nhiều cặp vợ chồng cũng vì không biết giật mình đúng lúc nên đã để hạnh phúc gia đình tuột dốc.
Bài thơ được mở đầu và kết thúc đều bằng hình ảnh "khoảng sân". Về nghĩa thực, sân là khoảng đất trống dùng làm phần phụ của nhà. Muốn vào nhà thì phải qua khoảng sân đó. Mà nơi đây, Anh và Em mỗi khi đi làm về đều "vứt hư vô ở đấy". Về nghĩa sâu xa, có phải qua hình ảnh "khoảng sân trước nhà", tác giả muốn gửi gắm một thông điệp cuộc sống: Muốn duy trì hạnh phúc gia đình bền vững (nhà), măc dù chồng vợ có khi phải trải qua thử thách (khoảng sân) nhưng phải biết giật mình tỉnh ngộ. "Khoảng sân trước nhà" là hình ảnh biểu trưng cho những chênh chao trong đời sống tình cảm vợ chồng. Còn giật mình, rùng mình chính là cái phao cứu vãn hạnh phúc gia đình khỏi ngã đổ.
11/10/2015
Tuệ Mỹ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét