Hoàng Thị Hà Bạn yêu thơ - Hà Nội |
Lưu dấu mùa xuân
Con lại sống giữa nôn nao chợ tết
cánh hoa tươi thấm nước dịu hàng hoa
cha bận viết thư cuối năm gửi bạn
xuân trước xuân sau khác nhau nhiều
lưu dấu mùa xuân con nhớ mãi
khi nắng tràn qua khe suối cạn khô
chim én vượt mùa đông về đồng bãi
ngôi nhà ta dựa lưng cánh rừng già
tuổi thơ con theo chú chuồn chuồn nắng
một đôi lần quên dép, cỏ mọc lên
cha cao lớn tìm con chiều sắp tắt
mấy ngả đường đất sỏi chẳng có tên
góc bếp nhện giăng lửa khói vòng tròn
đêm xuân ấm cha con không sưởi lửa
sao trời trong mắt con rơi xuống nước
dễ nói như mùa xuân - cha lặng im
con bên cha hai mươi mùa xuân
cha chỉ cho đi, riêng con được nhận
con thở khí trời, ngào hương đồng mật
trẻ như lòng con - lưu dấu mãi đời cha
1992
Phan Thanh Bình
Con lại sống giữa nôn nao chợ tết
cánh hoa tươi thấm nước dịu hàng hoa
cha bận viết thư cuối năm gửi bạn
xuân trước xuân sau khác nhau nhiều
lưu dấu mùa xuân con nhớ mãi
khi nắng tràn qua khe suối cạn khô
chim én vượt mùa đông về đồng bãi
ngôi nhà ta dựa lưng cánh rừng già
tuổi thơ con theo chú chuồn chuồn nắng
một đôi lần quên dép, cỏ mọc lên
cha cao lớn tìm con chiều sắp tắt
mấy ngả đường đất sỏi chẳng có tên
góc bếp nhện giăng lửa khói vòng tròn
đêm xuân ấm cha con không sưởi lửa
sao trời trong mắt con rơi xuống nước
dễ nói như mùa xuân - cha lặng im
con bên cha hai mươi mùa xuân
cha chỉ cho đi, riêng con được nhận
con thở khí trời, ngào hương đồng mật
trẻ như lòng con - lưu dấu mãi đời cha
1992
Phan Thanh Bình
CẢM NHẬN CỦA HOÀNG THỊ HÀ
Bạn tự hỏi bạn nhớ cha mẹ mình vào những khoảnh khắc nào? Có quá nhiều thời gian để nhớ, khi trước mặt ta hiện lên những khung cảnh tuổi ấu thơ, những hình ảnh thân thuộc hằng ngày như đã gắn với nhiều kỷ niệm cũ đầy thân thuộc, nỗi nhớ ấy cứ nghèn nghẹn nhưng đau đáu, rõ ràng như vừa mới đây thôi cha mẹ vẫn ở bên mình. Trong những đêm khó ngủ, những ký ức hiện về và nỗi lòng bạn như bông hướng dương khao khát ánh sáng - đó là thứ ánh sáng vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ của tình thương. Bạn cảm giác mình vẫn như một cây non đang lớn lên, một đứa trẻ vẫn muốn nhận được sự bao dung, che chở. Nhất là khi bạn đã lớn lên phải sống cách xa gia đình, bạn tự hỏi bạn đã làm được gì khi cha mẹ mình mỗi ngày một già đi... Điều bạn có nhiều cũng chỉ là nỗi nhớ, cái nỗi nhớ mà khi gặp cha mẹ bạn không nói thành lời nhưng bạn có thể viết ra những khi ở xa. Với Nhà thơ Phan Thanh Bình là một trường hợp. Rời Bình Thuận vào Sài Gòn công tác và sinh sống, khi đã có một gia đình riêng, đã trở thành một người cha, tác giả nhớ về cha mình. Mỗi mùa xuân đi qua, nỗi nhớ chẳng đổi thay mà đầy lên theo năm tháng:
Con lại sống giữa nôn nao chợ tết
Cánh hoa tươi thấm nước dịu hàng hoa
Tứ thơ có thể được bắt đầu từ một phiên chợ Tết nhưng nỗi nhớ bắt đầu từ ấu thơ. Cái nôn nao của phiên chợ Tết là cái nôn nao trong nỗi nhớ cha mình, cái nôn nao của nỗi nhớ đã lặp đi lặp lại nhiều mùa xuân. Đi giữa những ồn ào và đang sống với những ồn ào ấy, nhà thơ lại nhớ cha ở quê nhà. Có thể nhìn vào đâu trong cảnh Tết cũng thấy nôn nao, ngay cả khi nhìn vào một "Cánh hoa tươi thấm nước" khiến lòng dịu lại. Tết sum vầy đoàn tụ, Tết ấm áp của con người, cảnh vật, của những mới tươi, đẹp đẽ và nỗi nhớ cứ hiện về lưu quá khứ vào thực tại. Tết tình thân, Tết của sẻ chia tri âm, tri kỷ- trong tác giả hiện lên hình ảnh người cha giờ này chắc đang bận viết thư cuối năm gửi bạn như những năm trước đây. Trong lá thư đó có hỏi han, có thể là những kể lể... nhưng đọng lại dấu ấn thời gian "Xuân trước xuân sau khác nhau nhiều", những người bạn già đi, thời gian, cuộc sống đổi thay nhưng họ vẫn trân trọng nghĩa tình. Mùa xuân dù đẹp, dù ấm áp cũng qua đi nhưng vẫn lưu giữ lớp lớp ký ức trở về "Lưu dấu mùa xuân con nhớ mãi". Đó là nắng ấm mới "tràn" về qua "khe suối cạn khô", là hình ảnh xa xa từng đàn chim én đang bay "về đồng bãi" báo tin xuân về, bên "cánh rừng già" có ngôi nhà của mẹ cha nơi nhà thơ đã sinh ra và khôn lớn. Những kỷ niệm tuổi thơ hồn nhiên mà sống động. Tuổi thơ thường chạy theo những chú chuồn khoai, chuồn kim, chuồn ớt trong nắng trưa, mải chơi đến nỗi "quên dép, cỏ mọc lên". Người cha bao dung, độ lượng đã đi tìm con trên những "con đường đất sỏi chẳng có tên" ấy và cái bóng cao lớn vẫn in mãi tận sau này trong tâm trí khi người con lớn lên. Không gì thân yêu bằng ngôi nhà nhỏ, những điều bình dị nhất cũng đều trở lên đẹp với tuổi thơ. Đó là "Góc bếp nhện giăng lửa khói vòng tròn", đêm mùa xuân ấm áp, là đôi mắt sáng của người con - người cha coi đó là sao trời, là ước mong, hy vọng - là một mùa xuân trong lặng im đôi mắt của người cha. Mùa xuân chất chứa, mùa xuân của tình cha cao đẹp, suốt "hai mươi mùa xuân" ấy, cha luôn ở bên để dạy con bằng ý chí, bằng tình yêu thương, truyền cho con tinh thần và nghị lực. Như "khí trời" trong tự nhiên con được thở, như hương vị của "đồng mật" những chắt chiu ngọt ngào giúp con khôn lớn, đối với cha dường như con luôn còn trẻ, còn bé thơ muốn "được nhận" mãi những ân cần của cha.
Mỗi ký ức về cha đều lưu dấu mãi trong con qua những mùa xuân của cuộc đời. Hình ảnh người cha nhân hậu hiện lên trong nỗi nhớ mùa xuân, trong ký ức tuổi thơ thật đẹp, mỗi câu thơ là một hình ảnh hiện thực, gắn bó, trong lành và nhẹ nhàng, cả bài thơ không một chút cường điệu, không một từ hoa mỹ rất tự nhiên đã trở thành một tài sản quý lấp lánh theo thời gian, mãi là mùa xuân của niềm tin, mùa xuân của tình yêu, ước ao, khát vọng được sống mãi với tuổi thơ và cha mẹ mình.
Đọc bài thơ tôi hiểu những điều ruột thịt luôn thân yêu và đẹp nhất, những sự thật của tình Phụ tử, tình Mẫu tử tự nó đã trở thành bài thơ cho cuộc đời mỗi người. Thỉnh thoảng nhớ về cha mẹ mình, tôi đã khóc, khóc vì sự cách xa, vì nhớ thương, kính trọng nhưng không có cách nào khác được, ai lớn lên gần như cũng phải xa cha mẹ và tôi biết ngày nào cha mẹ còn sống trên đời còn luôn nghĩ và nhớ về các con. Chắc viết cả một cuốn tiểu thuyết dầy về cha mẹ cũng chưa đủ...!
Cảm ơn Nhà thơ Phan Thanh Bình đã cho tôi được đọc một bài thơ đầy xúc động, bài thơ Lưu dấu mùa xuân, Bài thơ thứ 39 trong tập thơ Phẳng & Nghiêng tôi đọc năm 39 tuổi, tôi có thói quen đọc những bài thơ cuối cùng, những trang sách cuối cùng!!!
Hà Nội ngày 30 tháng 12 năm 2015
Hoàng Thị Hà
Lời bình đảo mà đã diệt wá. Bài thơ được PTB viết mốc mặc chân thanh
Trả lờiXóa