Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh |
NTAH - Phan Thanh Bình viết có một lần tình mà người đọc nhận được một trăm, một vạn lần tình.
Tuy mới ở tuổi 44 nhưng Phan Thanh Bình (PTB) đã có hơn 25 năm cầm bút. Đọc những câu thơ đầy xúc cảm ngày mười chín tuổi của anh, tôi mới hiểu vì sao từ thế kỷ trước, “Tuyển tập 20 năm văn học Bình Thuận 1982-2002” đã có tên Thi Sinh, bút danh của anh khi đó.
tuổi thơ con theo chú chuồn nắng
một đôi lần quên dép cỏ mọc lên
cha cao lớn tìm con chiều sắp tắt
mấy ngả đường đất sỏi chẳng có tên
(Lưu dấu mùa Xuân – Phẳng & Nghiêng)
Để có những câu thơ xúc động này, PTB đã từng được hạnh phúc sống bên cha hai mươi năm. Trong ký ức tác giả, đọng lại sâu nhất có lẽ là hình bóng người cha vững chãi. Nắng chiều chắc chắn rồi sẽ bỏ đi, nhưng cha thì mãi ở lại kiếm tìm con …Sau khi đã đi qua hết cuộc chơi sa đà trốn tìm với nắng gió, giờ nhìn lại chắc rằng anh có đôi lúc ăn năn và thấy thương cha nhiều hơn!
Trong “Không đề ” anh lại đem đến cho ta niềm rung cảm mới:
Rải rác nắng vàng, ca khúc cũ.
hoa cầm hương trời chiều
khuất chìm sau mắt ướt
(Không đề – Phẳng & Nghiêng)
Không rõ ràng, chỉ là hư ảo đó thôi mà sao rất gợi. Một cái gì đó còn lẫn khuất trong tâm tư tác giả. Hương thơm còn ở trong cánh hoa, ca khúc cũ còn trong nắng, mà tất cả đã nhòa đi sau làn nước mắt …
Những câu thơ thuở ban đầu ấy thật hiền hòa, hồn nhiên nhưng đã mang một dáng vẻ khác biệt. Chính sự không giống ai, không đi theo bóng một người nào đi trước, đã tạo nên một chất riêng của Bình, giúp cho anh có những bước không hề khập khễnh trên lối đi chung.
Dù sống qua nhiều nơi khác nhau, từ Quảng Ninh đến Bình Thuận rồi vào tới Sài Gòn, hành trang lớn nhất mà PTB mang theo vẫn là tình yêu với thơ. Chính niềm đam mê sâu nặng đó là động lực lớn thôi thúc anh cho ra đời hai tập thơ liên tiếp Phẳng & Nghiêng (2015) và Chạm & Vuốt (2017) sau những năm dài lặng lẽ tưởng chừng như ngưng viết! Gần 100 bài thơ của hai thi phẩm này đã xác nhận cho cuộc lên đường độc lập của PTB.
“Thế giới phẳng”
tâm hồn ta nghiêng
làm sao vượt qua vách đá cuộc đời?
(Phẳng & Nghiêng – chữ trong ngoặc là ý tưởng của nhà báo Thomas Friedman)
Trong mỗi con người đều có giới hạn. Khó nhất là ta vượt được mình. Hỏi là để hỏi trong niềm hoài nghi thôi. Câu trả lời “vượt qua được hay không” thuộc về sự công nhận của thời gian, Chính vị giám khảo khó tính này sẽ ghi thêm điểm cho anh trong mỗi trận đấu cuộc đời.
Thì đây, ta yêu lắm cái cách nhìn nắng chiều của thí sinh này. Làm sao mà anh thấy nó nhạt đi được kia chứ :
em đã từng đi qua nỗi đau
nên cái nắng buổi chiều cũng nhạt.
(Người đàn bà kể – Phẳng & Nghiêng)
Nắng thôi, mà sâu lắng như thế, mà chan chứa như vậy bởi vì anh đang đau cái từng đau của “em”! Thế mới biết tùy vào góc nhìn qua lăng kính thế nào, người ta sẽ có ảnh hình phản chiếu như thế ấy.
Một lời đắm say khác:
ta phải đến được nơi ta cùng đến
em có mùa thu, anh có em.
(Đi tới mùa thu – Phẳng & Nghiêng)
Quá dễ thương! Quá ân cần! Chỉ hai câu tỏ bày giản dị này mà dù đã đọc nhiều lần, tôi vẫn ướt nước mắt! Em có nhiều thứ đi, nhưng riêng anh, “em” là tất cả chứ không phải là trời đất, mùa màng .. Tôi biết, trong cuộc chạy đua với Tình Yêu này PTB sẽ lãnh giải nhất, vì nếu cần anh đánh đổi cả anh!
Có cách nhìn mới mẻ và sắc sảo như vậy, nên khi đọc Chạm & Vuốt của PTB, ta chớ vội nghĩ đó là chạm hay vuốt vào một cái gì đó cụ thể như một bờ vai, cánh hoa …. Thật ra tác giả muốn chạm và vuốt vào thời gian, vào thế giới ảo trong trí tưởng, vào ngày mai mơ hồ chưa đến :
Chạm & Vuốt
thử tìm mình ở tận mai sau
thấy mình không có xương
thấy mình không có thịt
như tồn tại chỉ là điều cắc cớ
nỗi cô đơn cũng có thể không còn
(Chạm & Vuốt)
Nhận ngay ra cái thông điệp mà tác giả muốn gởi đi là sợ con người đánh mất nỗi cô đơn. Thật không sai. Bởi nếu không cô đơn, người ta sao còn khao khát nữa ? Chỉ khi được đằm mình trong cô đơn người ta mới bình ổn được cảm xúc, mới may vá được những lỗ hổng trong tâm hồn để tìm về hạnh phúc.
Câu thơ sau đây cũng gắn chúng ta chung một nỗi niềm cô độc, cô quạnh, cô lẻ, cô đơn :
anh ngỡ mình là chiếc cốc có quai
múc và rót tháng ngày đều tít tắp
(Không đề – Chạm & Vuốt)
Có ai chưa từng rơi vào trạng thái này? Lặng lẽ quá nơi cuộc sống khiến ta bị bào mòn cảm giác. May là tháng ngày vẫn còn đều đặn ở cùng người, đặng người có dịp mà chiêm nghiệm về nghĩa sống.
thử gửi tin nhắn cho người bạn đã chết
nhận lại chiếc lá mùa Đông rơi ngoài cửa sổ.
(Chạm & Vuốt)
Chao, thời gian trả lời đó! Một hình ảnh đẹp não nùng! Lời xót than được bày tỏ kín đáo không dư thừa. Đối diện với vĩnh biệt, không từ ngữ nào giải thích nổi, chỉ có nỗi cô đơn mới chứa đựng hết mà thôi.
Vậy mà, đến khi có được hạnh phúc, người ta lại cảm thấy hoài nghi:
Anh bắt đầu hoài nghi từ dạo ấy
lờ mờ nhận ra giữa ánh sáng và bóng tối
là bản cập nhật chưa phải cuối cùng giữa có và không
(Tiếng chim thêu – Chạm & Vuốt)
Giữa ánh sáng và bóng tối còn có thêm gì nữa sao? Đây không phải là hình ảnh thật sự nữa, mà là những ảo ảnh của lý trí. Nhưng chỉ là một quãng ngắn thôi cho người thơ nhạy cảm. Để rồi sau đó, chính cô quạnh chán chường là con đường dẫn đến niềm tin :
vẫn còn nhiều hy vọng buổi sớm mai
tia nắng nhọn châm vào ta ánh sáng.
(Thơ tình cho Alpha – Chạm & Vuốt)
Hoặc:
Anh đã kịp cài lên tóc em dòng tin đêm trừ tịch
đừng vội đọc
để mai sau lời chúc vẫn còn.
(Đêm trừ tịch – Chạm & Vuốt)
Những gì chân thành trao tặng nhau vẫn mãi bền lâu dù có bao tháng năm đi nữa! Xin chúc mừng niềm tin của PTB, vì nếu không có niềm tin vào bây giờ, đố ai còn gắn bó với mai sau?
Nhà thơ cũng từng thú nhận:
Nhiều lúc
muốn làm đứa con hư của Thần mặt trời
dùng yếu đuối hủy diệt thế giới
nhưng sao vẫn thèm
hạt gạo quê mình khi chín lên cơm.
(Cà phê một mình – Chạm & Vuốt)
Hư hỏng mà sao lại dào lên nồng nàn đến vậy? Phải chăng chính hạt gạo nhỏ xíu và chén cơm hiền lành đã làm người ta quên hết những ý nghĩ điên rồ không tưởng, để quay lại với ánh sáng thiện lương? Thèm, đó là lý do duy nhất cho mọi chiếc thuyền hồn trở về cắm sào nơi bến quê hương!
Ai đó đã nói “Đi tới tận cùng hoài nghi là sẽ gặp ánh sáng hy vọng lóe lên”. Tôi tin điều đó! Tác giả cũng vậy, sau tất cả mọi tan tác, đổ vỡ… anh đã mạnh mẽ vượt qua để trở lại trạng thái cân bằng. Một ngày được sống là hai mươi bốn giờ trong anh tràn đầy khát vọng :
mở cánh cửa sớm mai là mỗi ngày mỗi khác
mỗi ngày em thêm có một lần anh.
(Đi tới mùa thu – Phẳng & Nghiêng)
Câu thơ vô cùng tình tứ, khác gì một danh ngôn tuyệt đối cho tình yêu! Mỗi ngày có thêm một lần, một đời có thêm mấy lần anh với em? Rất hay!
Có một điều tôi muốn nói là cách dùng chữ rất đặc biệt của PTB. Xin chú ý từ thanh hậu và tuyết hạnh:
Em sống trong đời phố
Phố che chở đời em
Từ khi anh đến nữa
Thành một cõi nhân tình.
Người Sài Gòn thanh hậu
Sống mãi trở nên quen
(Người Sài Gòn thanh hậu – Phẳng & Nghiêng)
Người đàn bà tuyết hạnh
uống tôi trong quán cà phê CÓC
ăn tôi ở nhà hàng MÈO
ngủ với tôi trên khách sạn DAO
nàng hối hận vì đã cho tôi xem ký ức.
(Vecto – Chạm & Vuốt)
Nhớ một lần trên Facebook của PTB, có người hỏi “có viết lộn không, tiết hạnh hay tuyết hạnh?”, thì anh dứt khoát là: “ Vâng, tuyết hạnh chị ạ!”. Điều này làm tôi thấy lý thú vì từ thanh hậu và tuyết hạnh không có trong từ điển! Không có, không đúng, mà tác giả vẫn cứ dùng để tạo cho người đọc hiểu theo nhiều nghĩa đẹp khác nhau, thì đó chính là sự sáng tạo nghệ sĩ của người viết.
PTB không phải là người viết thơ theo chủ đề thời sự, nhưng đến những trang cuối của tập thơ thì tôi bỗng nghẹn lòng. Hãy lắng nghe những lời thơ bi tráng từ anh:
hồn người lính đêm ngoi lên mặt nước
nấp theo trăng thăm bếp lửa quê nhà
Những linh hồn san hô
lên tiếng hú vọng chìm nơi đất nổi
(Tình ca san hô – Chạm & Vuốt)
Ôi, phải nén lại tiếng khóc để nghe tiếng người con trai về gọi mẹ. Trong sâu thẳm nỗi nhớ của chúng ta, các anh chưa bao giờ bị quên lãng. Các anh là san hô. Biển như lật trở ra để cho thế hệ còn sống tìm thấy các anh, những người lính có số phận bình dị mà quá đỗi phi thường.
đêm trở giấc người lính về gọi mẹ
anh ở phía bên nào
tôi chưa rõ tên anh
(Trở về nhà – Chạm & Vuốt)
Một nguyện cầu thiết tha cho những linh hồn đã khuất. Chúng ta hãy cúi đầu thấu hiểu với mất mát để nhận diện được gương mặt lịch sử một thời đau thương và kiêu hãnh!
Với góc nhìn duy mỹ và đầy rung cảm, PTB đã viết bằng trái tim của nhiều người khác. Đọc Bình, ta có thể lướt qua niềm đắm say yêu đương, tiếng thổn thức của cô đơn, âm vang nơi biến cố, sự vượt thoát để tự tại … Nhưng không thể nào quên được cái cảm giác, mỗi bài thơ của anh như tiếng gõ cửa lạ, làm thức dậy trong chúng ta những rung động đã bị nén sâu. Cho nên Phan Thanh Bình viết có một lần tình mà người đọc nhận được một trăm, một vạn lần tình.
Có nghĩa là cơ duyên lắm cho tôi khi đọc được thơ Bình, bởi nó giúp tôi nhận ra rằng, khi mọi thứ không đi đúng hướng như mình mong muốn, đừng bao giờ quên rằng tất cả cuối cùng rồi sẽ ổn mà thôi.
SG tháng 10/2017
Nguyễn Thị Ánh Huỳnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét