Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2018

Hoàng Thị Thu Thủy - Đọc thơ Phan Thanh Bình

TS. Hoàng Thị Thu Thuỷ
Giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế

Đọc thơ Phan Thanh Bình


HTT - Ý thức, băn khoăn và hiểu được độ chênh giữa văn chương với cuộc đời trong cái thời “chạm và vuốt” cũng là cách nhà thơ Phan Thanh Bình đánh thức lương tri của những người cầm bút chân chính và cả những người không cầm bút, là độc giả…

Biết Phan Thanh Bình qua một vài bài thơ anh đăng trên Facebook, những bài thơ được anh rút ra từ hai tập thơ Phẳng & Nghiêng; Chạm & Vuốt. Quen nhau trên facebook nhiều người nghĩ là ảo, nhưng với tôi thì rất thật, bởi anh đã yêu quý gửi tặng cho tôi cả hai tập thơ. Hai tập thơ gửi đến Huế vào tháng 5 năm 2017, nắng bỏng cháy, còn tôi thì đang thực hiện những chuyến dạy xa nhà, dạy ở trường Trung cấp Luật Đồng Hới, mỗi tuần về Huế lại lo chạy sấp chạy ngửa dạy bù cho những lớp ở Huế. Cảm thấy mình là bạn đọc vô tâm nhất khi nhận quà quý mà chưa gửi lời tri âm.

Nhân dịp xuân Mậu Tuất, cũng sắp đến ngày thơ Việt Nam, lần giở những trang thơ, tìm kiếm anh thi sĩ, tìm kiếm cảm xúc trữ tình trong trái tim người con gốc quê Bình Thuận, nay đã định cư ở Thành phố Hồ Chí Minh, nơi mà cuộc sống lúc nào cũng gấp gáp, vội vã, ai đã từng đến đây thì sẽ đọc được cái cảm nhận rất chính xác của nhà thơ: “Nhà bám theo đường, người bám phố/Cộng sinh từ thuở lập điền/Đất Sài Gòn không kiêu bạc/Cho anh về bên em/Đường là nơi kiếm sống/Phố làm chỗ dung thân/Ai cũng là quen biết/Nhưng chẳng ai biết mình”. Phải nói là những câu thơ tự sự, tự tình của anh đã khiến cho nhiều người sống tha phương nhận ra có mình trong đó. Hàng năm có biết bao sinh viên của tôi đi tìm việc trong đó, rồi lọt thỏm vào một vị trí nào đó, không ai biết, nhưng mỗi dịp Tết đến xuân về, các em trở về lại nhộn nhạo, tự tin hẳn lên, và đã vào đó thì chẳng ai nói sẽ quay về quê hương, cũng có lẽ “Người Sài Gòn thanh hậu/Sống mãi trở nên quen”.

“Thế giới phẳng”
tâm hồn ta nghiêng
làm sao vượt qua vách đá cuộc đời?

Lấy ý tưởng “thế giới phẳng” của nhà báo Thomas Friedman làm ý tưởng và tứ thơ “tâm hồn ta nghiêng” làm tiêu đề cho cả tập thơ, đã là sự gẫn gũi giữa cái tôi thi nhân vơi độc giả. Đối tượng trữ tình là em, là nơi để nhà thơ tự sự, giãi bày các cung bậc cảm xúc khi cái tôi thi nhân muốn “vượt qua vách đá cuộc đời”.

Từ EM, anh có thể giãi bày về nỗi cô đơn, trằn trọc trong Đêm: “Đêm cô đơn… Đêm sợ hãi… Đêm trằn trọc”… và rồi “Tôi đánh vật với từng đêm/Bằng những đòn cân não/Tóc lại thêm sợi bạc trước bình minh”. Càng đọc thơ Phan Thanh Bình, tôi càng cảm thấy mình gần gũi hơn với một con người có những vùng kí ức mà khẽ chạm vào là thấy nhớ, có những nỗi niềm suy nghĩ và trăn trở của một người đàn ông chí khí, người đàn ông lãng mạn, người đàn ông đa tình… “Cõi riêng nơi anh đã chạm… Anh nghiêng bờ vai, Em nghiêng mái đầu”… và “Chỉ sáng mai thôi/Câu thơ anh hóa đá đợi em về” (Thơ cho em). Trong cái thành phố mà không một phút giây nào vắng người đi trên đường, không một ai có thể đi chầm chậm, không một ai không vội vã vẫn còn một anh lãng đãng, chầm chậm, mơ màng: “Hình như là giao cảm/Trên đường phố đông người/Đi chậm thôi em nhé/Cho anh còn theo em” (Sài Gòn có em). Rất thật, tự sự thôi, không thi vị hóa cái tôi kiêu kì như kiểu Xuân Diệu thời kì 30 – 45: “Em bước điềm nhiên không vướng chân/Anh đi lãng đãng chẳng theo gần” (Xuân Diệu – Thơ duyên), bởi vì anh đang sống vào thế kỉ 21, thế kỉ mà con người hội nhập, con người toàn cầu hóa đang làm thay đổi cái cách con người sống từ bước đi, cách nghĩ cho đến mọi mối quan hệ. Anh lành hiền thế thôi, bất chợt gặp em trên đường, không biết “Phố nhà em ở đâu” mà đã nghĩ “Hình như là giao cảm”.


Thơ ca là vậy, là hình như, dường như, ngỡ như… mà đã xao xuyến, đã bâng khuâng, đã tìm cách chạm vào bờ vai, nhìn vào khóe mắt và rồi trăn trở “Biết đến bao giờ/Mình sẽ lại tìm/Được nhau?” Có vẻ như đã biết, đã nhận ra, đã mến thương đến độ lo lắng, đến mức si mê “Sẽ không là mùa thu/Nếu không vàng hoa cúc/Sẽ không là hoa hồng/Trong đời anh không em” (Hoa hồng của một ngày). Chọn cách kết cấu tới hạn để khẳng định tình yêu vĩnh hằng cũng là cách viết của nhiều thi sĩ, với Phan Thanh Bình, điều này cũng không ngoại lệ. Với bài thơ Em đi về phía biển, nhà thơ sử dụng câu hỏi tu từ nhẹ nhàng dễ thương: “Em đi về phía biển/Trời xanh có xanh hơn?”, âu đó cũng là lối suy nghĩ của thời kì hội nhập. Bởi trong những bài thơ Nhật ký ngày xa em, Vùng kỉ niệm, Người đàn bà kể… ta thấy trong trái tim thi nhân là một sự cảm thông, sẻ chia, chấp nhận… để EM – người đàn bà không hạnh phúc, chưa hạnh phúc… tìm được bến đỗ bình yên, dù trong anh đã hình thành một vùng đau mới. Không lãng mạn như nhà thơ tình nổi tiếng thế giới Puskin: “Cầu cho em có người tình như tôi đã yêu em” (Puskin – Tôi yêu em), bởi vì anh nhận hết về anh mọi khổ đau, sầu muộn: “Anh trở về nơi anh thấy cô đơn/Gọi mãi tên em, gọi nhầm tên bè bạn/Sống cứ sống, chấp nhận dần số phận/Rồi tháng, rồi năm, rồi cũng một đời người” (Vùng kỉ niệm).

Cách đây chừng 10 năm, đọc báo, người ta nói có nơi người ta không cần thơ, vì nói gì thì nói thẳng ra, chứ đọc thơ cứ mơ hồ, đa nghĩa, mệt quá. Lúc đó, tôi lo sợ, sợ một ngày nào đó mọi công dân Việt Nam cũng sẽ nói như thế, thì tâm hồn mình sẽ cằn cỗi biết chừng nào. Nhưng khi đọc Phẳng & Nghiêng của nhà thơ Phan Thanh Bình, tôi nhận ra, thơ với cuộc đời rất gần gũi, không mơ hồ, đa nghĩa kiểu như ca dao trước đây “hôm nay là tám ngày mai là mười” nữa, mà nhà thơ đã nắm bắt được xu hướng thời đại, hơi thở, tâm lý của con người thời đại, nên anh đã “Chạm & Vuốt”:

“Chạm và vuốt
thế giới ảo
thời gian thực
bàn tay kết nối bàn tay”
(Chạm & vuốt)

Hiện đại thế đấy, gần gũi thế đấy, khoa học thế đấy. Chỉ bằng cái smartfone trong tay con người đã “ngược về kỷ Juna xem lại những địa tầng”, rồi “thử tìm mình ở tận mai sau”


Có lẽ tứ thơ trong tập thơ Chạm & Vuốt là tứ của hơi thở thời đại, của cái thời mà mỗi một con người hễ ở đâu và làm gì cũng để “chạm và vuốt”, và thậm chí quên cả bữa cơm, quên cả bạn bè, quên cả giấc ngủ, quên cả hơi ấm bàn tay… vì mải “chạm và vuốt”. Và trái tim thi nhân vẫn âm thầm, rạo rực thu nhận những thay đổi của con người, cảnh vật, của mỗi nơi anh từng đặt dấu chân mình. Nếu ở Phẳng & Nghiêng anh viết những vần thơ da diết với Bình Thuận – cố hương, Sài Gòn – “Nhà bám theo đường, người bám phố” thì đến tập thơ Chạm & Vuốt, thế giới cảm xúc thơ mở rộng hơn “em dẫn Huế vào anh hay dẫn anh vào Huế?/cơn mưa chiều bọc lót buổi hoàng hôn/người thiếu nữ suốt đời ngôi thiếu nữ/dù vị hoàng đế cuối cùng không phải là anh" (Zich zắc mùa thu); “Thức giấc đi em!/Dẫu niềm tin trong đêm bị đánh cắp/vẫn còn nhiều hi vọng buổi sớm mai/tia nắng nhọn châm vào ta ánh sáng” (Thơ tình cho Alpha); “Trời vừa tối tôi theo trăng ra đảo, tuổi cát Trường Sa bằng tuổi cát đất liền/Mẹ Tổ Quốc phân thân mình giữ biển/Người định bờ buộc con cháu ra khơi?” (Tình ca san hô)… Con người rong ruổi, con người kiếm tìm, con người trăn trở… đã bật thành những vần thơ giàu chất hiện thực, chất suy nghĩ trong tập thơ Chạm & Vuốt. Cũng có những câu thơ bạo liệt, mang hơi thở thời đại, của những khoảng thời gian mà mỗi công dân đều không thể giấu mình: “Buổi sáng tìm em/Anh mở ngoặc tìm mình/Con cá chết ngoài khơi, đang phơi bầy trên cát/biết ghi chú điều gì để không mắc tội với tiền nhân?” (Mở ngoặc và ghi chú)

Lời thơ của thi nhân nhiều khi nóng như ngọn lửa:

“Ta cứ mãi với sắc huyền hỏi ngã
phóng to đêm
khuyếch đại chiều tà

Ta vẫn thấy cuộc đời vô căn cước
sáu nan đề
sáng đẹp sáu vầng trăng

Câu thơ số cuối ngày đang mã hóa
bàn phím văn chương
thiếu chữ em cần”
(Thi sĩ)

Ý thức, băn khoăn và hiểu được độ chênh giữa văn chương với cuộc đời trong cái thời “chạm và vuốt” cũng là cách nhà thơ Phan Thanh Bình đánh thức lương tri của những người cầm bút chân chính và cả những người không cầm bút, là độc giả. Cũng như bao thi nhân khi cầm bút, viết về Tổ Quốc, về nhân dân trong những thời khắc đặc biệt, bài thơ cuối trong tập thơ Chạm & Vuốt đã lắng đọng từng câu chữ về sự hi sinh của những người lính bởi: “Em ơi, Đất nước mình có lúc không may/Đất nước mình có những lần lỡ nhịp/anh có lỗi, người hôm qua có lỗi/không phải bao giờ chúng ta cũng thông minh”. Viết về Tổ Quốc không mới, nhưng cách nghĩ về Tổ quốc của anh rất mới, mang tính thời sự, cũng nhờ thông tin của cái thế giới phẳng, để thêm lửa cho ngòi bút của anh.

Quả thực, khi nhận món quà của anh, tôi rất xúc động, rồi khi đọc thơ anh, tôi giật mình, đọc lần thứ nhất thấy hơi ngại, vì có vẻ trái tim của thi nhân lãng mạn, sâu thẳm, cái nhìn của thi nhân bạo biệt. Từ mùa hè bận rộn, đến mùa thu cũng gấp gáp, và qua cả mùa đông rét tái tê tôi cũng không dám mở ra đọc lại. Bây giờ khi mùa xuân ấm áp đã về, có khoảng thời gian của Tết, tôi bắt đầu đọc kĩ thơ anh, nhận ra, anh xứng đáng là thi nhân của “thế giới phẳng”.

Mồng 8 Tết Mậu Tuất, 2018
Hoàng Thu Thủy

Hai bài thơ yêu thích trên Tuần báo văn nghệ TP.HCM





Đỗ Hữu Thùy Dương - Tập thơ “Phẳng & Nghiêng” của Phan Thanh Bình Bản tình ca vọng mãi



Nhà thơ Phan Thanh Bình (bút danh Thy Sinh) làm thơ từ khi còn học phổ thông. Anh được kết nạp và trở thành hội viên Hội văn nghệ Bình Thuận khi mới 19 tuổi, có nhiều sáng tác in trên các báo và ấn bản chung. “Phẳng & Nghiêng” là tập thơ đầu tay của anh vừa xuất bản.

Đọc các bài thơ trong tập “Phẳng & Nghiêng” ta cảm nhận đó là những mạch hồi ức đan xen giữa quá khứ và hiện tại, nối kết một cách tự nhiên giữa tình cảm gia đình, quê hương, đất nước và bè bạn. Thơ tình của anh là nguồn cảm hứng vô tận với chất thơ trong sáng, lời thơ nồng nàn, sâu lắng, hồn nhiên và da diết. Câu thơ chân chất, mộc mạc nhưng diễn đạt được những hình ảnh chứa chan, dạt dào, sâu thẳm khiến người đọc xúc động, bâng khuâng như có hình bóng của mình trong đó.

Các bài thơ tình yêu của anh bắt nguồn từ những xúc cảm cụ thể, chân thực với những trải nghiệm tình cảm của bản thân nên anh thể hiện được vẻ đẹp đa dạng, tinh tế, những rung động sâu thẳm nơi trái tim và tâm hồn.

Những bài thơ viết về quê hương là cảm xúc nồng ấm, giàu hình ảnh và hết sức giản dị, với những câu thơ chân chất, mộc mạc, bình dị nhưng khi đọc không ai không thấy nao lòng:

“ Có dịp mời em về Phan thiết
Đứng bóng Cà Ty cuối sông Mường
Tháp Nước bình yên đêm cổ tích 
Qua cầu Quan lại nhớ cầu Quan”
(Nếu Tìm Em Sẽ Nhận Ra Anh)

Anh còn có một bài thơ với lời thơ sâu lắng, đậm tình, xúc động tặng bạn mình, một người bạn văn chương sống và viết bên dòng sông Cà Ty quê hương anh, từ chối những cơ hội tốt hơn cho chính mình:

“ Đời có lắm nghề sao anh lại làm thơ
Tôi vẫn nghĩ anh đang trên bục giảng
Say sưa kể về Nguyễn Trãi ở Đông Quan
Nguyễn Du từng đi sứ.

Không. Anh không muốn nói về những điều đã cũ
Để chân trời cho những cánh chim bay.
….

Anh cứ mặc nhiên làm thơ, mặc nhiên không cần ai biết
Bên dòng Cà Ty chan chát mặn bốn mùa
Vì người thiếu nữ năm xưa?
Hay số phận buộc anh ở nơi này?
(Viết Bên Dòng Cà Ty)

Trong tập thơ “Phẳng & Nghiêng”, các bài thơ về tình yêu đôi lứa của anh có nét dung dị, đằm thắm, thiết tha nhưng bao giờ cũng chân tình, dịu dàng, quyến rũ và mãnh liệt. Mỗi bài thơ là một khát khao cháy bỏng, một nỗi nhớ mênh mang…

“Chia tay anh, em khóc cho mình
Giọt nước mắt xóa đi niềm uất hận.
Anh không thể chạm vào lòng trắc ẩn
Cho em thêm một lần tin”
(Vùng Kỷ Niệm)

“Mỗi đầu ngày thức giấc nhớ về em
Nghiêng bên nào cũng thấy mình có lỗi.
Tia nắng sớm đến bên anh luôn là tia nắng mới
Như là em, như không phải là em.”
(Tín Hiệu Không Lời)

Tình yêu của tác giả còn hướng về những cuộc đời bất hạnh, đổ vỡ trong tình yêu, để những nỗi đau, những thất vọng được thay bằng một niềm hy vọng mới, để tiếp tục hòa nhập vào cuộc đời, vì cuộc đời này còn nhiều yêu thương đang chờ phía trước:

“ Ta sẽ lại yêu hơn chính bản thân mình
Yêu những thứ khi có em đã làm ta quên mất
Học lại cách cùng mọi người chung sống
Để quên đi khi em đã xa rồi”
(Khi Em Buông Tay)

Ở tập thơ “Phẳng & Nghiêng”, chúng ta cũng có thể nhận ra những trăn trở phẳng nghiêng của đời thường :

"“Thế giới phẳng” 
Tâm hồn ta nghiêng
Làm sao vượt qua vách đá cuộc đời?”
(Phẳng & Nghiêng)

Đọc Tập thơ “Phẳng & Nghiêng” của nhà thơ Phan Thanh Bình để tìm lại chính mình trong những vần thơ yêu thương của anh./.

Người yêu thơ
Đỗ Hữu Thùy Dương


Thứ Năm, 25 tháng 10, 2018

Trần Việt Hà - Nhân đọc Bên trong thành phố

Ths Trần Việt Hà
Giáo viên Trường THPT Phạm Quang Thẩm
Vũ Thư, Thái Bình




Những chênh chao “phẳng, nghiêng” trong thơ 
Phan Thanh Bình


TVH - Đọc thơ Phan, tôi chợt nghĩ đến một ý của cổ nhân đã dạy “Thơ hợp với chân chất, không hợp với khéo léo, nhưng phải là cái chân chất của sự khéo léo lớn”. Không phải già đời bút, sao kín kẽ tình như thế được.

"Thế giới phẳng"
Tâm hồn ta nghiêng
Làm sao vượt qua vách đá cuộc đời?

Đọc mấy dòng thơ trong tập thơ đầu tay cùng tên Phẳng & Nghiêng của nhà thơ xứ Bình Thuận Phan Thanh Bình (Thy Sinh), không riêng tôi, ai cũng dễ dàng nhận thấy giọng chủ của thơ anh là nỗi niềm trở trăn, suy cảm đau đáu và đắng đót về cõi người và cõi mình. Tuy nhiên, phải đến khi đọc bài thơ Bên trong thành phố gần đây, cảm giác thế sự chênh chao “phẳng, nghiêng” mới đạt đến độ thấm.

Những dịu dàng đang chực hòa tan
màu xỉn vàng đêm qua
loang loáng ở trạm xăng
ở nhà chờ xe bus

Câu thơ mở đầu dài như một hơi thở buồn hụt hẫng. Từ miền quê Bình Thuận, Phan Thanh Bình đến thành phố Hồ Chí Minh tấp nập, hòa chung trong cuộc mưu sinh đầy áp lực. Nhà thơ cảm nhận rõ sự mờ nhòa và biến mất của những nét người “dịu dàng” mong manh giữa phồn tạp đô thị lớn, nhất là ở những “trạm xăng, nhà chờ xe bus”, nơi mà con người chỉ cốt sao cho nhanh, cho xong, cho kịp, dù im lặng chen lấn. Cái nền văn hóa dân dã quê kiểng thân thiện, nhiệt thành của biết bao người bỏ quê xuống phố, giờ vấp phải nhịp sống phố thị đậm đặc không chỉ thấy lạc lõng mà còn thêm phần e ngại lo lắng nữa.

những đứa trẻ xổ số kiến thiết 
những người đàn bà xổ số kiến thiết
những tôi trong căn nhà đệm khí

những không phải tôi còn sõng xoài mê ngủ

có thể nào bay bằng đôi cánh phòng ngự
gấp phẳng phiu 
càng gấp vào càng nhỏ

Trước những số phận bé mọn đang chen chân nhau để giành giật lấy cơ hội sống, không gian thơ trở nên ngột ngạt đến tức thở. Không chỉ “những đứa trẻ, nhưng người đàn bà” mà chính nhân vật trữ tình “tôi” cũng cảm thấy hụt hẫng và chới với. “Những tôi” hay “những không phải tôi còn sõng xoài mê ngủ” đang mất dần lợi thế và đuối sức, kiệt sức khi “đôi cánh phòng ngự” cố thu mình chống đỡ “càng gấp vào càng nhỏ”. Câu thơ có cảm giác, mỗi số phận trong thơ đang cố cất tiếng kêu cầu cứu rỗi nghẹn ngào, không thành tiếng: “trong sự reo hò biến hình của đám đông/ vẫn nghe được tiếng thút thít/ yếu dần và tắt lịm / từ ngôi nhà tuềnh toàng cuối hẻm cụt”. Con chữ của Phan Thanh Bình như ngấn theo dòng lệ nơi đầu ngọn bút.

Bên trong thành phố, những thanh âm chói chang hối thúc hay não nề buồn thảm vẫn không ngừng công phá đời sống con người và cuốn theo bao số phận vật vã “tiếng xe cứu thương thúc còi đánh thẳng vào lồng ngực”, nhà thơ nhìn thấy một thế cuộc ngày càng hỗn loạn, bất ổn “ván cờ đã mất tướng sĩ tượng xe pháo mã/ chỉ còn hàng triệu quân tốt/ con nào/ cũng muốn sang sông thật nhanh/ trở về thật nhanh”, với một tâm thức hiện sinh hiện hữu trong từng gương mặt người sống và cả người chết nữa: “chiếc xe tang chầm chậm rời nhà đại thể/lặng lặng tới nhà thờ hoặc chạy thẳng đến nơi chôn cất/sự chết nguệch ngoạc như sự sống/loài chim chẳng bao giờ có ý thức thẳng hàng”. Trong thế giới vô cảm ấy, mỗi con người luôn cảm thấy sự ngột ngạt bức bối không diễn tả nổi: “tôi cấp cứu ý tưởng chưa thể viết ra, chẳng thể nào diễn dịch/sự đơn điệu khi em không ở đây/ đã cắt bớt của tôi một buồng phổi”. Ngay cả nhân vật trữ tình cũng thấy sự tồn tại vô duyên vô vị của mình trước cuộc sống, chẳng biết làm gì và chẳng thiết tha gì bởi dẫu cố gắng thế nào vẫn chỉ là một sự bế tắc lạc hướng mà thôi: “Anh không được phép buồn, anh không được phép vui/bởi khuôn mặt anh đang làm người đại diện/ (chẳng biết đại diện cho ai)”… Ở thế giới phẳng nghiệt ngã ấy, trước mọi sự bừa bộn, không lối thoát, tâm hồn con người cũng ngả nghiêng chao đảo theo. Những câu thơ của Phan Thanh Bình khi dài khi ngắn, day dứt trăn trở, vặn vẹo hổn hển nặng nhọc như kiếp người đang hấp hối vậy.

Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở đó, bài thơ sẽ chìm trong quên lãng. Bởi nếu cần sứ mệnh tả thực, lột mặt nạ thì văn xuôi làm tốt hơn nhiều. Điều nhân văn đáng nói là giữa cuộc sống đô thị vô thường ấy, nhà thơ nhận thấy chỉ có tình yêu chính là phép nâng đỡ nhiệm màu giúp con người “vượt qua vách đá cuộc đời?”:

bây giờ anh đang nhớ em
cái nắm tay đi từ chiều đến tối trong thị trấn nhỏ 
những con đường mang tên danh nhân
họ đã sống như một triết lý 
như lời giải thích rõ ràng cho chúng ta về một loại cây rừng

anh là loài dây leo
em là loài thảo mộc
muông thú tìm anh làm thức ăn
tìm em làm vị thuốc
cái chết sẽ chẳng bao giờ hoang lạnh

Con người càng ý thức về sự nhỏ nhoi yếu đuối của mình thì càng khao khát tìm kiếm nhau. Những cảm xúc tình yêu chân thành chính là sợi giây thiêng kết nối và cân bằng lại những khủng hoảng, được mất và hoài nghi trong cuộc sống: “giữa hỗn độn ngôi/giữa hỗn độn từ/hạnh phúc của những người đang yêu là thẩm quyền được giải thích về nhau.". Chất thơ đáng yêu của cuộc sống được thi sĩ ém nhẹm đến tận phút cuối cùng đã làm cho ý thơ có hậu, đọc sáng cả lòng.

Bên trong thành phố khác với khá nhiều bài thơ tình khác của Phan Thanh Bình vốn mang chất thơ trong sáng, lời thơ nồng nàn, sâu lắng, hồn nhiên và da diết. Ở bài thơ này, nhà thơ đã khéo gài bẫy người đọc về chất thế sự nồng nã suốt ba phần tư dung lượng, chỉ hé gợi chút chân tình cuối cùng nhưng đủ làm rung động trong lòng người đọc khó tính nhất. Đọc thơ Phan, tôi chợt nghĩ đến một ý của cổ nhân đã dạy “Thơ hợp với chân chất, không hợp với khéo léo, nhưng phải là cái chân chất của sự khéo léo lớn”. Không phải già đời bút, sao kín kẽ tình như thế được.

Viết xong ngày 19 tháng 3 năm 2017
Trần Việt Hà

Bài thơ Bên trong thành phố

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2018

Hoàng Thu Thủy - Chuyến đi dài tới mùa thu của Phan Thanh Bình


Tiến sĩ Hoàng Thu Thủy
Giảng viên Trường CĐSP Thừa Thiên Huế



Đi tới mùa thu

Hiểu nỗi buồn của em nên anh không gặng hỏi
anh muốn mang mùa thu về trên vai em
em đừng khóc vì ai nữa nhé
chỉ khóc vì anh và những lúc có anh thôi

anh đến bên em, quá khứ đã xa rồi
đừng nhắc lại những gì không trọn vẹn
dẫu có tiếc cũng chỉ là để tiếc
trong cuộc đời, ta có những lần đi

hãy cùng anh làm một chuyến đi dài
nơi xa nhất mà em chưa đến được
mở cánh cửa sớm mai là mỗi ngày mỗi khác
mỗi ngày em thêm có một lần anh

anh sẽ lắng nghe em từng tiếng thở
từng nhịp rung trên vai áo em gầy
ta phải đến được nơi ta cùng đến
em có mùa thu, anh có em
2015
Phan Thanh Bình


CHUYẾN ĐI DÀI TỚI MÙA THU CỦA PHAN THANH BÌNH


HTT - Có lẽ cũng đã lâu rồi văn chương Việt mới có bài thơ lại đem đến sự mặc khải trong tình yêu, chạm thẳng đến tâm trí và trái tim người đọc như Đi tới mùa thu. 

Mùa thu luôn là cảm hứng vô tận của các nghệ sĩ. Họa sĩ Lê-vi-tan (Nga) để lại cho đời bức tranh Mùa thu vàng nổi tiếng; nhà thơ Đỗ Phủ trên chiếc thuyền lênh đênh xa quê cũng viết nên chùm thơ thu (8 bài) với nỗi niềm nhớ quê đau đáu, da diết; Nguyễn Khuyến được tôn vinh là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam với chùm 3 bài thơ thu của màu xanh rợn ngợp đất trời. Còn Nguyễn Du đã viết nhiều câu thơ hay về mùa thu với cảm xúc tinh tế diễm lệ như: “Long lanh đáy nước in trời/Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng” (Truyện Kiều)

Nhà thơ Phan Thanh Bình trong hai tập thơ Phẳng & Nghiêng, Chạm & Vuốt cũng có những bài thơ viết về không gian thu làm xốn xang người đọc như Đi tới mùa thu, Zích zắc mùa thu.

Nếu ở Zích zắc mùa thu người đọc nhận ra mùa thu Huế trong cái nhìn vọng tưởng của tác giả về các địa danh nổi tiếng của cố đô như chùa Diệu Đế, sông Hương, núi Ngự Bình, đồi Vọng Cảnh và một vương triều đã mất nhưng con người hay rộng ra là nhân sinh vẫn không mất đi: “em rót cả mùa thu vào Đại Nội” để rồi chốt hạ hai câu cuối thật đặc sắc “người thiếu nữ suốt đời ngôi thiếu nữ/ dù vị hoàng đế cuối cùng không phải là anh” thì ở bài Đi tới mùa thu cái tôi thi nhân đã trở nên cá biệt hoàn toàn. Không gian thu trong bài thơ không phải là không gian của thiên nhiên mà chính là không gian của tâm hồn. Mùa thu ở đây là duyên cớ để tác giả thổ lộ tình yêu với em. Mùa thu thì dịu dàng nhưng tình yêu thì mạnh bạo, không chút do dự:

hiểu nỗi buồn của em nên anh không gặng hỏi
anh muốn mang mùa thu về trên vai em

Sao anh không tặng nàng mùa xuân tươi thắm, mùa hạ nồng ấm, mà chỉ cho em mùa thu. Tín hiệu thẩm mĩ mùa thu trở thành điểm nhấn để anh thấu cảm nỗi buồn của em, hiểu nỗi buồn của em. Mùa thu không miêu tả từ thiên nhiên, tạo vật, mà từ lời dỗ dành của anh với em: “em đừng khóc”, “em đừng nhắc”… Cách bày tỏ của anh bạo liệt, dứt khoát, chắc chắn: “Anh muốn mang mùa thu về trên vai em”, vì bờ vai anh đủ rộng để che chắn cho em. Em giờ chỉ cần khóc vì anh thôi. Cái tôi trữ tình của anh thật lạ, anh mang mùa thu cho em, hẳn mùa thu này đẹp lắm, rực rỡ nắng vàng với trời xanh, nên anh mới tự tin đến dường kia.
Dường như lời an ủi của anh chứa đựng trong cả những lời hứa hẹn:

hãy cùng anh làm một chuyến đi dài
nơi xa nhất mà em chưa đến được

Tại sao lại là “chuyến đi dài”? mà không phải là đi nhanh, “đi tắt đón đầu”? Hơn ai hết nhà thơ thừa hiểu rằng, tình yêu là một hành trình chứ không phải là đích đến. Chuyến đi dài trong tâm thế lãng du của tình yêu bao giờ cũng hứa hẹn niềm vui và hạnh phúc. Với anh, đây là chuyến đi mà anh sẽ vì em, dù em chưa bao giờ đến được những nơi xa xôi nhất. Có thể hiểu cái “nơi xa nhất” ấy chính là cái tận cùng của yêu thương mà em dù đã từng đi, nhưng vẫn chưa khi nào đến được. Đi để cảm nhận hạnh phúc, để đón đợi ban mai bằng bờ vai vững chãi “mở cánh cửa sớm mai là mỗi ngày mỗi khác/ mỗi ngày em thêm có một lần anh”. Hẳn nhiên em sẽ hạnh phúc vô bờ khi được đi cùng anh, bởi quá khứ của em có thể là bi kịch, là sụp đổ, là đau xót, là nỗi buồn… nhưng “anh không gặng hỏi” – rất đàn ông và rất cao thượng. Ai cũng có một chút quá khứ, một chút kỉ niệm, nhưng với anh, khi đã mang mùa thu cho em, thì không có gì có thể khiến anh bận lòng, mà “mỗi ngày em thêm có một lần anh”. Đọc đến câu thơ này, bất giác tôi nghĩ đến niềm hạnh phúc cho một khao khát tình yêu, cho một hiện thực hiển hiện, cho một hy vọng về một tình yêu vĩnh hằng.

anh sẽ lắng nghe từng tiếng em thở
từng nhịp rung trên vai áo em gầy

Có người đàn ông nào, chàng trai lãng tử nào nghĩ được như Phan Thanh Bình từng nghĩ. Tinh tế và tận tụy vì em. Tôi nhận ra nhà thơ quả là đa tình và lãng mạn, cái đa tình đẹp trong thơ ca và anh đã làm đẹp cho tình yêu cuộc đời.

Mơ ước của anh thật đẹp:

ta phải đến được nơi ta cùng đến
em có mùa thu, anh có em

Ts Hoàng Thu Thủy và ông xã Đinh Văn Hiệp
Câu kết bài thơ chắp thêm ước mơ cho mỗi người con gái, người phụ nữ. “Em có mùa thu” – đẹp, dù có đượm nét buồn, bởi có chút buồn thì vẻ đẹp của người con gái càng cuốn hút hơn, nên anh mới hạnh phúc nhận ra rằng “anh có em”. Anh có em, bởi anh có sự quyết liệt khi “mang mùa thu về trên vai em”, mạnh mẽ khi nắm tay em “đi tới mùa thu”, giúp em bỏ lại sau lưng mọi muộn phiền, chỉ cầu mong “mở cánh cửa sớm mai là mỗi ngày mỗi khác”. Em sẽ mới hơn, anh sẽ mới hơn, đó là kết quả của một tình yêu hi sinh, tận tụy và dâng hiến. Bài thơ đẹp không chỉ từ thi tứ, mà đẹp ngay từ trong ý nghĩ, trong hình tượng anh – cái tôi trữ tình của nhà thơ, say đắm, nồng nàn cho một tình yêu đẹp.

Tác phẩm không sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật, không văn vẹo, bẻ cong ngôn ngữ, nhìn mùa thu trực tiếp từ đối tượng trữ tình là em, từ dằn xé của lòng em để hóa giải nỗi buồn em bằng tình yêu của anh. Gợi ra cho em một chuyến đi đầy thi vị và lãng mạn. Có lẽ cũng đã lâu rồi văn chương Việt mới có bài thơ lại đem đến sự mặc khải trong tình yêu, chạm thẳng đến tâm trí và trái tim người đọc như Đi tới mùa thu

Huế 12/8/2018
Hoàng Thị Thu Thủy

Nguyễn Thị Ánh Huỳnh - Thơ Phan Thanh Bình một trăm vạn lần tình


Nhà thơ
Nguyễn Thị Ánh Huỳnh

NTAH - Phan Thanh Bình viết có một lần tình mà người đọc nhận được một trăm, một vạn lần tình.

Tuy mới ở tuổi 44 nhưng Phan Thanh Bình (PTB) đã có hơn 25 năm cầm bút. Đọc những câu thơ đầy xúc cảm ngày mười chín tuổi của anh, tôi mới hiểu vì sao từ thế kỷ trước, “Tuyển tập 20 năm văn học Bình Thuận 1982-2002” đã có tên Thi Sinh, bút danh của anh khi đó.

tuổi thơ con theo chú chuồn nắng
một đôi lần quên dép cỏ mọc lên
cha cao lớn tìm con chiều sắp tắt
mấy ngả đường đất sỏi chẳng có tên
(Lưu dấu mùa Xuân – Phẳng & Nghiêng)

Để có những câu thơ xúc động này, PTB đã từng được hạnh phúc sống bên cha hai mươi năm. Trong ký ức tác giả, đọng lại sâu nhất có lẽ là hình bóng người cha vững chãi. Nắng chiều chắc chắn rồi sẽ bỏ đi, nhưng cha thì mãi ở lại kiếm tìm con …Sau khi đã đi qua hết cuộc chơi sa đà trốn tìm với nắng gió, giờ nhìn lại chắc rằng anh có đôi lúc ăn năn và thấy thương cha nhiều hơn!

Trong “Không đề ” anh lại đem đến cho ta niềm rung cảm mới:

Rải rác nắng vàng, ca khúc cũ.

hoa cầm hương trời chiều
khuất chìm sau mắt ướt
(Không đề – Phẳng & Nghiêng)

Không rõ ràng, chỉ là hư ảo đó thôi mà sao rất gợi. Một cái gì đó còn lẫn khuất trong tâm tư tác giả. Hương thơm còn ở trong cánh hoa, ca khúc cũ còn trong nắng, mà tất cả đã nhòa đi sau làn nước mắt …

Những câu thơ thuở ban đầu ấy thật hiền hòa, hồn nhiên nhưng đã mang một dáng vẻ khác biệt. Chính sự không giống ai, không đi theo bóng một người nào đi trước, đã tạo nên một chất riêng của Bình, giúp cho anh có những bước không hề khập khễnh trên lối đi chung.

Dù sống qua nhiều nơi khác nhau, từ Quảng Ninh đến Bình Thuận rồi vào tới Sài Gòn, hành trang lớn nhất mà PTB mang theo vẫn là tình yêu với thơ. Chính niềm đam mê sâu nặng đó là động lực lớn thôi thúc anh cho ra đời hai tập thơ liên tiếp Phẳng & Nghiêng (2015) và Chạm & Vuốt (2017) sau những năm dài lặng lẽ tưởng chừng như ngưng viết! Gần 100 bài thơ của hai thi phẩm này đã xác nhận cho cuộc lên đường độc lập của PTB.

“Thế giới phẳng”
tâm hồn ta nghiêng
làm sao vượt qua vách đá cuộc đời?
(Phẳng & Nghiêngchữ trong ngoặc là ý tưởng của nhà báo Thomas Friedman)

Trong mỗi con người đều có giới hạn. Khó nhất là ta vượt được mình. Hỏi là để hỏi trong niềm hoài nghi thôi. Câu trả lời “vượt qua được hay không” thuộc về sự công nhận của thời gian, Chính vị giám khảo khó tính này sẽ ghi thêm điểm cho anh trong mỗi trận đấu cuộc đời.

Thì đây, ta yêu lắm cái cách nhìn nắng chiều của thí sinh này. Làm sao mà anh thấy nó nhạt đi được kia chứ :

em đã từng đi qua nỗi đau
nên cái nắng buổi chiều cũng nhạt.
(Người đàn bà kể – Phẳng & Nghiêng)

Nắng thôi, mà sâu lắng như thế, mà chan chứa như vậy bởi vì anh đang đau cái từng đau của “em”! Thế mới biết tùy vào góc nhìn qua lăng kính thế nào, người ta sẽ có ảnh hình phản chiếu như thế ấy.

Một lời đắm say khác:

ta phải đến được nơi ta cùng đến
em có mùa thu, anh có em.
(Đi tới mùa thu – Phẳng & Nghiêng)

Quá dễ thương! Quá ân cần! Chỉ hai câu tỏ bày giản dị này mà dù đã đọc nhiều lần, tôi vẫn ướt nước mắt! Em có nhiều thứ đi, nhưng riêng anh, “em” là tất cả chứ không phải là trời đất, mùa màng .. Tôi biết, trong cuộc chạy đua với Tình Yêu này PTB sẽ lãnh giải nhất, vì nếu cần anh đánh đổi cả anh!

Có cách nhìn mới mẻ và sắc sảo như vậy, nên khi đọc Chạm & Vuốt của PTB, ta chớ vội nghĩ đó là chạm hay vuốt vào một cái gì đó cụ thể như một bờ vai, cánh hoa …. Thật ra tác giả muốn chạm và vuốt vào thời gian, vào thế giới ảo trong trí tưởng, vào ngày mai mơ hồ chưa đến :

Chạm & Vuốt
thử tìm mình ở tận mai sau
thấy mình không có xương
thấy mình không có thịt
như tồn tại chỉ là điều cắc cớ
nỗi cô đơn cũng có thể không còn
(Chạm & Vuốt)

Nhận ngay ra cái thông điệp mà tác giả muốn gởi đi là sợ con người đánh mất nỗi cô đơn. Thật không sai. Bởi nếu không cô đơn, người ta sao còn khao khát nữa ? Chỉ khi được đằm mình trong cô đơn người ta mới bình ổn được cảm xúc, mới may vá được những lỗ hổng trong tâm hồn để tìm về hạnh phúc.

Câu thơ sau đây cũng gắn chúng ta chung một nỗi niềm cô độc, cô quạnh, cô lẻ, cô đơn :

anh ngỡ mình là chiếc cốc có quai
múc và rót tháng ngày đều tít tắp
(Không đề – Chạm & Vuốt)

Có ai chưa từng rơi vào trạng thái này? Lặng lẽ quá nơi cuộc sống khiến ta bị bào mòn cảm giác. May là tháng ngày vẫn còn đều đặn ở cùng người, đặng người có dịp mà chiêm nghiệm về nghĩa sống.

thử gửi tin nhắn cho người bạn đã chết
nhận lại chiếc lá mùa Đông rơi ngoài cửa sổ.
(Chạm & Vuốt)

Chao, thời gian trả lời đó! Một hình ảnh đẹp não nùng! Lời xót than được bày tỏ kín đáo không dư thừa. Đối diện với vĩnh biệt, không từ ngữ nào giải thích nổi, chỉ có nỗi cô đơn mới chứa đựng hết mà thôi.

Vậy mà, đến khi có được hạnh phúc, người ta lại cảm thấy hoài nghi:

Anh bắt đầu hoài nghi từ dạo ấy
lờ mờ nhận ra giữa ánh sáng và bóng tối
là bản cập nhật chưa phải cuối cùng giữa có và không
(Tiếng chim thêu – Chạm & Vuốt)

Giữa ánh sáng và bóng tối còn có thêm gì nữa sao? Đây không phải là hình ảnh thật sự nữa, mà là những ảo ảnh của lý trí. Nhưng chỉ là một quãng ngắn thôi cho người thơ nhạy cảm. Để rồi sau đó, chính cô quạnh chán chường là con đường dẫn đến niềm tin :

vẫn còn nhiều hy vọng buổi sớm mai
tia nắng nhọn châm vào ta ánh sáng.
(Thơ tình cho Alpha – Chạm & Vuốt)

Hoặc:

Anh đã kịp cài lên tóc em dòng tin đêm trừ tịch 
đừng vội đọc
để mai sau lời chúc vẫn còn.
(Đêm trừ tịch – Chạm & Vuốt)

Những gì chân thành trao tặng nhau vẫn mãi bền lâu dù có bao tháng năm đi nữa! Xin chúc mừng niềm tin của PTB, vì nếu không có niềm tin vào bây giờ, đố ai còn gắn bó với mai sau?

Nhà thơ cũng từng thú nhận:

Nhiều lúc
muốn làm đứa con hư của Thần mặt trời
dùng yếu đuối hủy diệt thế giới 
nhưng sao vẫn thèm
hạt gạo quê mình khi chín lên cơm.
(Cà phê một mình – Chạm & Vuốt)

Hư hỏng mà sao lại dào lên nồng nàn đến vậy? Phải chăng chính hạt gạo nhỏ xíu và chén cơm hiền lành đã làm người ta quên hết những ý nghĩ điên rồ không tưởng, để quay lại với ánh sáng thiện lương? Thèm, đó là lý do duy nhất cho mọi chiếc thuyền hồn trở về cắm sào nơi bến quê hương!

Ai đó đã nói “Đi tới tận cùng hoài nghi là sẽ gặp ánh sáng hy vọng lóe lên”. Tôi tin điều đó! Tác giả cũng vậy, sau tất cả mọi tan tác, đổ vỡ… anh đã mạnh mẽ vượt qua để trở lại trạng thái cân bằng. Một ngày được sống là hai mươi bốn giờ trong anh tràn đầy khát vọng :

mở cánh cửa sớm mai là mỗi ngày mỗi khác
mỗi ngày em thêm có một lần anh.
(Đi tới mùa thu – Phẳng & Nghiêng)

Câu thơ vô cùng tình tứ, khác gì một danh ngôn tuyệt đối cho tình yêu! Mỗi ngày có thêm một lần, một đời có thêm mấy lần anh với em? Rất hay!

Có một điều tôi muốn nói là cách dùng chữ rất đặc biệt của PTB. Xin chú ý từ thanh hậu và tuyết hạnh:

Em sống trong đời phố
Phố che chở đời em
Từ khi anh đến nữa
Thành một cõi nhân tình.

Người Sài Gòn thanh hậu
Sống mãi trở nên quen
(Người Sài Gòn thanh hậu – Phẳng & Nghiêng)

Người đàn bà tuyết hạnh
uống tôi trong quán cà phê CÓC
ăn tôi ở nhà hàng MÈO
ngủ với tôi trên khách sạn DAO

nàng hối hận vì đã cho tôi xem ký ức.
(Vecto – Chạm & Vuốt)

Nhớ một lần trên Facebook của PTB, có người hỏi “có viết lộn không, tiết hạnh hay tuyết hạnh?”, thì anh dứt khoát là: “ Vâng, tuyết hạnh chị ạ!”. Điều này làm tôi thấy lý thú vì từ thanh hậu và tuyết hạnh không có trong từ điển! Không có, không đúng, mà tác giả vẫn cứ dùng để tạo cho người đọc hiểu theo nhiều nghĩa đẹp khác nhau, thì đó chính là sự sáng tạo nghệ sĩ của người viết.

PTB không phải là người viết thơ theo chủ đề thời sự, nhưng đến những trang cuối của tập thơ thì tôi bỗng nghẹn lòng. Hãy lắng nghe những lời thơ bi tráng từ anh:

hồn người lính đêm ngoi lên mặt nước
nấp theo trăng thăm bếp lửa quê nhà

Những linh hồn san hô
lên tiếng hú vọng chìm nơi đất nổi
(Tình ca san hô – Chạm & Vuốt)

Ôi, phải nén lại tiếng khóc để nghe tiếng người con trai về gọi mẹ. Trong sâu thẳm nỗi nhớ của chúng ta, các anh chưa bao giờ bị quên lãng. Các anh là san hô. Biển như lật trở ra để cho thế hệ còn sống tìm thấy các anh, những người lính có số phận bình dị mà quá đỗi phi thường.

đêm trở giấc người lính về gọi mẹ
anh ở phía bên nào 
tôi chưa rõ tên anh 
(Trở về nhà – Chạm & Vuốt) 

Một nguyện cầu thiết tha cho những linh hồn đã khuất. Chúng ta hãy cúi đầu thấu hiểu với mất mát để nhận diện được gương mặt lịch sử một thời đau thương và kiêu hãnh!

Với góc nhìn duy mỹ và đầy rung cảm, PTB đã viết bằng trái tim của nhiều người khác. Đọc Bình, ta có thể lướt qua niềm đắm say yêu đương, tiếng thổn thức của cô đơn, âm vang nơi biến cố, sự vượt thoát để tự tại … Nhưng không thể nào quên được cái cảm giác, mỗi bài thơ của anh như tiếng gõ cửa lạ, làm thức dậy trong chúng ta những rung động đã bị nén sâu. Cho nên Phan Thanh Bình viết có một lần tình mà người đọc nhận được một trăm, một vạn lần tình.

Có nghĩa là cơ duyên lắm cho tôi khi đọc được thơ Bình, bởi nó giúp tôi nhận ra rằng, khi mọi thứ không đi đúng hướng như mình mong muốn, đừng bao giờ quên rằng tất cả cuối cùng rồi sẽ ổn mà thôi.

SG tháng 10/2017
Nguyễn Thị Ánh Huỳnh

TRT - Thơ cho em dịp 20/10/2018

Chương trình thơ 
tháng 10/2018 
Đài PTTH Thừa Thiên Huế (TRT) 
chọn bài thơ Thơ cho em của Phan Thanh Bình làm chủ đề dịp 20/10. 




Với sự góp mặt của 4 tác giả: 


1. Phan Thanh Bình với bài thơ Thơ cho em trình bày NS Đình Trung
2. Trần Nhương với bài thơ Vừa đủ trình bày NS Thủy Phương
3. Lê Minh Quốc với bài thơ Vẻ đẹp trình bày NSƯT Hoàng Hằng
4. Nguyên Hùng với bài thơ Tìm em ngược dòng sông nhớ trình bày NSƯT Thanh Loan


Kịch bản: Hoàng Thu Thủy
MC: Thùy Trang và ekip thực hiện.

Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2018

Hoàng Thu Thủy - Tôi đi tìm Tiếng chim thêu

Tiến sĩ ngữ văn Hoàng Thu Thủy 
Giảng viên Trường CĐSP Thừa Thiên Huế

HTT - Tiếng chim thêu của Phan Thanh Bình không chỉ là thi ảnh mà đã được tác giả khái quát nên thành hình tượng nghệ thuật về đời sống của con người hôm nay

TIẾNG CHIM THÊU

Những cành cây mùa Đông trơ khấc
để làm gì?
để nghe rõ tiếng chim thêu.

Anh bắt đầu hoài nghi từ dạo ấy
lờ mờ nhận ra giữa ánh sáng và bóng tối
là bản cập nhật chưa phải cuối cùng giữa có và không

những người đàn ông hàng ngày trong công sở
họ cũng giống như anh
đang thực hiện kế hoạch của người khác, ước mơ của người khác

những người đàn bà bịt khẩu trang đi trên phố
họ cũng giống như em. Rất vội
lo toan dường như là bất tận

hôm qua, mọi người nói về siêu phẩm vừa xuất hiện
anh cảnh giác như một thói quen
tìm một thang đo mới

khi dịch chuyển tự do rơi vào thăm thẳm
bất ngờ anh nghe được tiếng chim thêu
tiếng đầu núi gọi đàn
tiếng xa chừng ngái ngủ
làm sao biết người nào anh sẽ không gặp lại

những loài chim thêu ngôn ngữ của mình lên vách thời gian
bây giờ anh chạm biết
tiếng chim thêu lưỡi cuốc của cha lên cây gạo đầu làng
bắt gặp mỗi mùa sang
tiếng chim thêu giọt mồ hôi mẹ vãi từ thúng sang nia
bồ gạo trong nhà luôn đầy một nửa
tiếng chim thêu chiếc khăn mỏ quạ của bà lên nấc lửa đèn dầu
ánh trăng qua làng bị rào bởi những ngọn tre
và tiếng phà khói thuốc lào của ông bám theo cột kèo trong căn nhà quá cũ
mái ngói chưa cần thay [dù vài viên đã vỡ].

Mảnh như làn sương sớm bay lên từ mặt đất
tiếng chim thêu những gì mà cành cây trơ khấc?
còn anh tươi tốt trở lại.
2016

Phan Thanh Bình



TÔI ĐI TÌM TIẾNG CHIM THÊU


      Có lần trong vô thức, tôi gõ vu vơ lên bàn phím: em thêu chữ lên trang giấy trắng… và rồi nhớ ra đã từng đọc bài thơ Tiếng chim thêu của nhà thơ Phan Thanh Bình trong bài viết Đọc thơ Phan Thanh Bình vào ngày mồng 8 Tết năm nay. Vậy là tiếng chim thêu đã bất ngờ lưu giữ trong vô thức của tôi, và tôi đã đọc lại bài thơ này để tìm hiểu giá trị nghệ thuật của tác phẩm trong tập thơ Chạm & Vuốt.

Những cành cây mùa Đông trơ khấc 
để làm gì?
để nghe rõ tiếng chim thêu

      Hình ảnh thơ gợi liên tưởng về một hình tượng đẹp trong văn chương đã thành kinh điển, đó là hình tượng cây sồi mùa đông trong tác phẩm Chiến tranh và hòa bình của nhà văn Lev Tolstoy. Sau khi từ chiến trường Austeclic trở về, Andrei Boncolsky nhận ra cái nhỏ nhoi của con người trước bầu trời xanh rộng lớn và cùng với nó thì giấc mộng Tunlon đã tiêu tan, chàng đi qua thăm trang trại của gia đình Bá tước Rostov, nhìn thấy cây sồi mùa đông khẳng khiu, trơ trụi lá thật hợp với tâm trạng chán chường của mình. Còn trong thơ của Phan Thanh Bình thì không phải vậy, mà “cây mùa Đông trơ khấc, để nghe rõ tiếng chim thêu”, anh không nhìn “cây mùa Đông trơ khấc” một cách buồn bã, chán chường, mà nhờ sự trơ trụi của cây để anh nghe rõ tiếng chim thêu. Đây là phát hiện độc đáo của nhà thơ, ghi rõ dấu ấn cá tính sáng tạo. Trong cái “ẩn tàng” của mùa đông (xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàng), điểm thấp nhất của quy luật âm dương là cành cây trơ khấc, anh đã lắng nghe rõ hơn tiếng chim, mà là tiếng chim thêu. Từ điển chưa có cụm từ “chim thêu”, hình ảnh “chim thêu” thật mới, thật lạ, từ ghép giữa danh từ “chim” và động từ “thêu” – chỉ về công việc thêu thùa tỉ mẩn và cẩn trọng. Có thể xem đây là đóng góp của nhà thơ trong việc làm mới từ vựng tiếng Việt qua thơ ca. Trước đây, nhà thơ Xuân Diệu có đưa vào thơ tính từ mới: “mơ phai” (Với áo mơ phai dệt lá vàng – Đây mùa thu tới); nhà thơ Tố Hữu cũng có thêm tính từ mới: “vàng tơ” (Những mái tóc vàng tơ đóng bó – Em ơi… Ba Lan)… 

      Nhìn cây trụi lá để nghe rõ tiếng chim thêu - tỉ mẩn và cẩn trọng, nên câu hỏi tu từ “để làm gì?” như hỏi mình, hỏi người, hỏi để mà hỏi, hỏi để mà khẳng định và hy vọng: “tiếng chim thêu những gì mà cành cây trơ khấc? còn anh tươi tốt trở lại”. Hình ảnh thơ đối lập: “cành cây trơ khấc” >< “còn anh tươi tốt trở lại” như là điểm nhấn, là tình yêu, là hy vọng cho cả tứ thơ. Kết cấu đầu cuối tương ứng, điệp hình ảnh “cành cây trơ khấc” tạo một ấn tượng thật đặc biệt.

      Điều gì khiến anh khi nghe “tiếng chim thêu”“anh tươi tốt trở lại”? dù cành cây vẫn trơ khấc, nghĩa là mùa đông vẫn chưa đi qua, mùa xuân vẫn chưa đến, anh đã hồi sinh, anh đã hy vọng, anh đã tươi tốt… 

      Vì anh đã “lờ mờ nhận ra giữa ánh sáng và bóng tối/là bản cập nhật chưa phải cuối cùng giữa có và không”. Khi nhà thơ nhận ra cái giới hạn và hữu hạn là vô thủy, vô chung, thì cũng là lúc bật lên ý nghĩ “bản cập nhật chưa phải cuối cùng”. Bi kịch lớn nhất của con người là khi nhận ra mâu thuẫn giữa cái hữu hạn của đời người với cái vô hạn của vũ trụ, hay nói hẹp hơn là giữa cái khát vọng và cái hiện thực nhiều khi không đáp ứng được nhau cũng là bi kịch. Nhưng với Phan Thanh Bình thì từ điểm cực thấp nhất của mùa – thời gian – cành cây trơ khấc – anh chợt nhận ra niềm hy vọng của con người không thể nào, không bao giờ lụi tàn. Bởi trong cái thinh không của vũ trụ “để nghe rõ tiếng chim thêu” anh nhận ra “anh” trong cái đông đúc của phố thị: 

những người đàn ông hàng ngày trong công sở 
họ cũng giống như anh 
đang thực hiện kế hoạch của người khác, ước mơ của người khác 

      Trong cái chung cộng đồng, anh không là khác biệt, cũng như những người đàn ông trong công sở, điểm khác biệt là anh đã nghe được tiếng chim thêu trong cái cũ đi, cái mòn đi, cái nhàm đi của sự giống nhau đó để cảm nhận cái đẹp và bất tử hóa cái đẹp. Cái đẹp trong thơ anh chính là chọn điểm nhìn từ nơi cằn cỗi, lụi tàn – “cành cây trơ khấc” để định vị lại mình, để nhận ra mình và khẳng định mình vẫn mới mẻ, đầy hi vọng, vì “anh đã tươi tốt trở lại”. Tôi vẫn thường nhắc nhở với mọi người: ngày nào bạn không mơ ước, ngày đó bạn không tồn tại, “tiếng chim thêu” đã giúp tôi nhận ra lý do để con người sống, làm việc và cống hiến, bởi dù bạn ở trạng thái nào thì cũng hãy biết lắng nghe chính mình từ trong thiên nhiên để mà khẳng định được niềm vui của hy vọng. 

      Anh đi tìm những cách định vị mới, quan niệm mới, nghĩa là anh không mòn đi, cũ đi như những nhân vật trong tác phẩm Sống mòn của Nam Cao, như những công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, mà anh tìm cho mình một thước đo mới, nên anh mới tươi tốt trở lại, nên anh mới nhận ra tiếng chim thêu. Anh cũng nhận ra “em” trong cái đông đúc, xô bồ, nhộn nhạo trên đường: 

những người đàn bà bịt khẩu trang đi trên phố 
họ cũng giống như em. Rất vội 
lo toan dường như là bất tận 

      Với phụ nữ “lo toan dường như là bất tận”, cái nhìn của nhà thơ về họ thật là nhân ái, anh nhận ra nổi khổ của người phụ nữ, người đàn bà, và trong đó có cả “em”, họ lúc nào cũng vội, lúc nào cũng tất bật, hình tượng phụ nữ như thân cò lặn lội, tảo tần trong thơ Việt đã quá quen thuộc, với Phan Thanh Bình hình ảnh mới hơn, hiện đại hơn “những người đàn bà bịt khẩu trang đi trên phố", và câu thơ so sánh giản dị đến mức đọc lên mà xúc động: "họ cũng giống như em. Rất vội". 

      Trong 33 dòng của bài thơ, tác giả chỉ sử dụng 3 dấu chấm, 2 dấu chấm hỏi và một dấu phẩy, nghĩa là kiệm hết sức khi sử dụng dấu câu, bởi nhiều khi nhà thơ không muốn dấu câu làm ngắt đoạn suy nghĩ của mình. Nhưng dấu chấm câu ở dòng thơ: “họ cũng giống như em. Rất vội” thì đắc địa đến mức không thể nào hay hơn, dấu chấm thay cho cả những ý nghĩ cảm thông, thương xót trong anh, anh không viết ra trên trang giấy nhưng người đọc nhận ra nó, người đàn bà, người phụ nữ “của anh” biết được cảm xúc trong anh. Xúc động! 

      Trong thi pháp nghệ thuật về con người, có lý giải rằng không phải cứ viết về con người là sáng tác văn học, mà sáng tác văn học là phải đem lại cho con người một sự khám phá, phát hiện và lý giải mới mẻ về con người. Thơ trữ tình thì nhân vật trữ tình chính là cái tôi của tác giả. Ở bài thơ này tác giả đã đứng ở ngôi thứ nhất “tôi” để tự lý giải về chính mình, nhưng người đọc đã nhận ra không chỉ có cái tôi của tác giả, mà có cả cái chúng ta. Trong chúng ta hẳn ai cũng không bao giờ muốn mình là bản cập nhật cuối cùng, và mỗi ngày chúng ta vẫn đang cố gắng, đang hy vọng, đang ước mơ để tìm “một thang đo mới”

khi dịch chuyển tự do rơi vào thăm thẳm 
bất ngờ anh nghe được tiếng chim thêu 
tiếng đầu núi gọi đàn 
tiếng xa chừng ngái ngủ 
làm sao biết người nào anh sẽ không gặp lại 

      Nhận ra cái vô thường trong tự nhiên và cuộc sống, cảm xúc của nhà thơ đã nén chặt đến mức anh chỉ viết ra những dòng chữ giản dị, như kể, như tả, như hỏi, như có và như không… Tiếng chim thêu giờ đây được lắng đọng trong tâm thức, trong cái nhìn từ xa đến gần, từ hiện tại đến quá khứ “khi dịch chuyển tự do rơi vào thăm thẳm”

những loài chim thêu ngôn ngữ của mình lên vách thời gian 
bây giờ anh chạm biết 
tiếng chim thêu lưỡi cuốc của cha lên cây gạo đầu làng 
bắt gặp mỗi mùa sang 
tiếng chim thêu giọt mồ hôi mẹ vãi từ thúng sang nia 
bồ gạo trong nhà luôn đầy một nửa 
tiếng chim thêu chiếc khăn mỏ quạ của bà lên nấc lửa đèn dầu 
ánh trăng qua làng bị rào bởi những ngọn tre 
và tiếng phà khói thuốc lào của ông bám theo cột kèo trong căn nhà quá cũ 
mái ngói chưa cần thay [dù vài viên đã vỡ]. 

      Thời gian, không gian trong thơ anh tràn ngập những hình ảnh thân thương, với những câu thơ hay đến mức không thể không gợi nhớ về những câu thơ, những bài thơ của những nhà thơ nổi tiếng khi viết về đất nước và nhân dân. Không biết bút lực nào đã giúp anh viết những câu thơ gợi quá nhiều kỉ niệm về cha, về mẹ, về ông, về bà, về ruộng lúa, bờ tre, về văn minh, văn hóa của một đất nước nông nghiệp: 

- tiếng chim thêu lưỡi cuốc của cha lên cây gạo đầu làng 
- tiếng chim thêu giọt mồ hôi mẹ vãi từ thúng sang nia 
- tiếng chim thêu chiếc khăn mỏ quạ của bà lên nấc lửa đèn dầu 
- và tiếng phà khói thuốc lào của ông bám theo cột kèo trong căn nhà quá cũ 

      Chao ôi, đọc lên mà rơm rớm mi mắt. Tôi biết anh từng sống ở miền Bắc, nên hình ảnh “chiếc khăn mỏ quạ” trong thơ anh gợi nhớ về những người phụ nữ miền Bắc với áo tứ thân, với khăn mỏ quạ thật thân quen và gần gũi. Truyền thống là ở đấy chứ ở đâu. Nguyễn Khoa Điềm trong chương thơ Đất nước cũng từng viết: “Cái kèo cái cột thành tên, hạt gạo phải một nắng hai sương xay giã dần sàng”… và đã đi vào tâm hồn người đọc qua biết bao thời gian. Nay, với Phan Thanh Bình anh cũng viết về nhân dân, đất nước bằng cái nhìn từ những hình ảnh thân thuộc từ cha, mẹ, ông, bà và mỗi hình ảnh gắn với một kỉ niệm, trong mỗi kỉ niệm có cả cái cần cù, nhẫn nại, cái thiếu thốn của con người Việt luôn luôn phải chịu đựng bởi đất nước ta “lắm tai, nhiều họa”. Dân tộc là đấy chứ đâu. 

      Nhà thơ Lưu Quang Vũ từng nói rằng: anh viết nhiều thể loại: kịch, truyện, thơ, nhưng chỉ mong người đời nhớ được một câu thơ của anh. Với Phan Thanh Bình anh đã xuất bản hai tập thơ Phẳng & nghiêng, Chạm & vuốt, với nhiều bài thơ hay, nhiều câu thơ hay, nhiều tứ thơ hay… và khi tôi đọc bài thơ Tiếng chim thêu của anh, tôi nghĩ rằng: đời làm thơ mà có được bài thơ hay như thế này thì cũng thật là hạnh phúc. Thơ hay ở cái tứ, thơ hay ở thi pháp, thơ hay ở ngôn ngữ, thơ còn hay hơn là giữa cái xô bồ, bộn bề của cuộc sống hiện đại, thi nhân vẫn tìm ra một góc riêng, một cái nhìn riêng và cảm nhận nó đến tận chiều sâu của thi tứ. Tiếng chim thêu của Phan Thanh Bình không chỉ là thi ảnh mà đã được tác giả khái quát nên thành hình tượng nghệ thuật về đời sống của con người hôm nay. Phải chăng mỗi chúng ta hàng ngày, hàng giờ vẫn đang cặm cụi tỉ mẩn dệt lên tiếng chim thêu trong chính cuộc sống của riêng mình. 

Huế ngày 10.5.2018