Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

Hoàng Thị Hà - Cảm nhận về bài thơ Lưu dấu mùa xuân

Hoàng Thị Hà
Bạn yêu thơ - Hà Nội

Lưu dấu mùa xuân

Con lại sống giữa nôn nao chợ tết
cánh hoa tươi thấm nước dịu hàng hoa
cha bận viết thư cuối năm gửi bạn
xuân trước xuân sau khác nhau nhiều

lưu dấu mùa xuân con nhớ mãi
khi nắng tràn qua khe suối cạn khô
chim én vượt mùa đông về đồng bãi
ngôi nhà ta dựa lưng cánh rừng già

tuổi thơ con theo chú chuồn chuồn nắng
một đôi lần quên dép, cỏ mọc lên
cha cao lớn tìm con chiều sắp tắt
mấy ngả đường đất sỏi chẳng có tên

góc bếp nhện giăng lửa khói vòng tròn
đêm xuân ấm cha con không sưởi lửa
sao trời trong mắt con rơi xuống nước
dễ nói như mùa xuân - cha lặng im

con bên cha hai mươi mùa xuân
cha chỉ cho đi, riêng con được nhận
con thở khí trời, ngào hương đồng mật
trẻ như lòng con - lưu dấu mãi đời cha
1992
Phan Thanh Bình



CẢM NHẬN CỦA HOÀNG THỊ HÀ

Bạn tự hỏi bạn nhớ cha mẹ mình vào những khoảnh khắc nào? Có quá nhiều thời gian để nhớ, khi trước mặt ta hiện lên những khung cảnh tuổi ấu thơ, những hình ảnh thân thuộc hằng ngày như đã gắn với nhiều kỷ niệm cũ đầy thân thuộc, nỗi nhớ ấy cứ nghèn nghẹn nhưng đau đáu, rõ ràng như vừa mới đây thôi cha mẹ vẫn ở bên mình. Trong những đêm khó ngủ, những ký ức hiện về và nỗi lòng bạn như bông hướng dương khao khát ánh sáng - đó là thứ ánh sáng vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ của tình thương. Bạn cảm giác mình vẫn như một cây non đang lớn lên, một đứa trẻ vẫn muốn nhận được sự bao dung, che chở. Nhất là khi bạn đã lớn lên phải sống cách xa gia đình, bạn tự hỏi bạn đã làm được gì khi cha mẹ mình mỗi ngày một già đi... Điều bạn có nhiều cũng chỉ là nỗi nhớ, cái nỗi nhớ mà khi gặp cha mẹ bạn không nói thành lời nhưng bạn có thể viết ra những khi ở xa. Với Nhà thơ Phan Thanh Bình là một trường hợp. Rời Bình Thuận vào Sài Gòn công tác và sinh sống, khi đã có một gia đình riêng, đã trở thành một người cha, tác giả nhớ về cha mình. Mỗi mùa xuân đi qua, nỗi nhớ chẳng đổi thay mà đầy lên theo năm tháng:

Con lại sống giữa nôn nao chợ tết
Cánh hoa tươi thấm nước dịu hàng hoa

Tứ thơ có thể được bắt đầu từ một phiên chợ Tết nhưng nỗi nhớ bắt đầu từ ấu thơ. Cái nôn nao của phiên chợ Tết là cái nôn nao trong nỗi nhớ cha mình, cái nôn nao của nỗi nhớ đã lặp đi lặp lại nhiều mùa xuân. Đi giữa những ồn ào và đang sống với những ồn ào ấy, nhà thơ lại nhớ cha ở quê nhà. Có thể nhìn vào đâu trong cảnh Tết cũng thấy nôn nao, ngay cả khi nhìn vào một "Cánh hoa tươi thấm nước" khiến lòng dịu lại. Tết sum vầy đoàn tụ, Tết ấm áp của con người, cảnh vật, của những mới tươi, đẹp đẽ và nỗi nhớ cứ hiện về lưu quá khứ vào thực tại. Tết tình thân, Tết của sẻ chia tri âm, tri kỷ- trong tác giả hiện lên hình ảnh người cha giờ này chắc đang bận viết thư cuối năm gửi bạn như những năm trước đây. Trong lá thư đó có hỏi han, có thể là những kể lể... nhưng đọng lại dấu ấn thời gian "Xuân trước xuân sau khác nhau nhiều", những người bạn già đi, thời gian, cuộc sống đổi thay nhưng họ vẫn trân trọng nghĩa tình. Mùa xuân dù đẹp, dù ấm áp cũng qua đi nhưng vẫn lưu giữ lớp lớp ký ức trở về "Lưu dấu mùa xuân con nhớ mãi". Đó là nắng ấm mới "tràn" về qua "khe suối cạn khô", là hình ảnh xa xa từng đàn chim én đang bay "về đồng bãi" báo tin xuân về, bên "cánh rừng già" có ngôi nhà của mẹ cha nơi nhà thơ đã sinh ra và khôn lớn. Những kỷ niệm tuổi thơ hồn nhiên mà sống động. Tuổi thơ thường chạy theo những chú chuồn khoai, chuồn kim, chuồn ớt trong nắng trưa, mải chơi đến nỗi "quên dép, cỏ mọc lên". Người cha bao dung, độ lượng đã đi tìm con trên những "con đường đất sỏi chẳng có tên" ấy và cái bóng cao lớn vẫn in mãi tận sau này trong tâm trí khi người con lớn lên. Không gì thân yêu bằng ngôi nhà nhỏ, những điều bình dị nhất cũng đều trở lên đẹp với tuổi thơ. Đó là "Góc bếp nhện giăng lửa khói vòng tròn", đêm mùa xuân ấm áp, là đôi mắt sáng của người con - người cha coi đó là sao trời, là ước mong, hy vọng - là một mùa xuân trong lặng im đôi mắt của người cha. Mùa xuân chất chứa, mùa xuân của tình cha cao đẹp, suốt "hai mươi mùa xuân" ấy, cha luôn ở bên để dạy con bằng ý chí, bằng tình yêu thương, truyền cho con tinh thần và nghị lực. Như "khí trời" trong tự nhiên con được thở, như hương vị của "đồng mật" những chắt chiu ngọt ngào giúp con khôn lớn, đối với cha dường như con luôn còn trẻ, còn bé thơ muốn "được nhận" mãi những ân cần của cha. 

Mỗi ký ức về cha đều lưu dấu mãi trong con qua những mùa xuân của cuộc đời. Hình ảnh người cha nhân hậu hiện lên trong nỗi nhớ mùa xuân, trong ký ức tuổi thơ thật đẹp, mỗi câu thơ là một hình ảnh hiện thực, gắn bó, trong lành và nhẹ nhàng, cả bài thơ không một chút cường điệu, không một từ hoa mỹ rất tự nhiên đã trở thành một tài sản quý lấp lánh theo thời gian, mãi là mùa xuân của niềm tin, mùa xuân của tình yêu, ước ao, khát vọng được sống mãi với tuổi thơ và cha mẹ mình. 

Đọc bài thơ tôi hiểu những điều ruột thịt luôn thân yêu và đẹp nhất, những sự thật của tình Phụ tử, tình Mẫu tử tự nó đã trở thành bài thơ cho cuộc đời mỗi người. Thỉnh thoảng nhớ về cha mẹ mình, tôi đã khóc, khóc vì sự cách xa, vì nhớ thương, kính trọng nhưng không có cách nào khác được, ai lớn lên gần như cũng phải xa cha mẹ và tôi biết ngày nào cha mẹ còn sống trên đời còn luôn nghĩ và nhớ về các con. Chắc viết cả một cuốn tiểu thuyết dầy về cha mẹ cũng chưa đủ...! 

Cảm ơn Nhà thơ Phan Thanh Bình đã cho tôi được đọc một bài thơ đầy xúc động, bài thơ Lưu dấu mùa xuân, Bài thơ thứ 39 trong tập thơ Phẳng & Nghiêng tôi đọc năm 39 tuổi, tôi có thói quen đọc những bài thơ cuối cùng, những trang sách cuối cùng!!! 

Hà Nội ngày 30 tháng 12 năm 2015 
Hoàng Thị Hà 


Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

CHIỀU ĐÊM CUỐI NĂM



Tan tầm
xe dồn về phía tắc đường
nàng Molisa trốn đâu
giữa tiếng chuông ngân và tiếng còi tàu
Ta muốn làm AQ trong quán nhậu.

chiều cuối năm giục về chốn yên bình
ngôi nhà cũ vừa sơn thêm lớp mới
Em phủ tuyết trong căn phòng chật chội
bài Thánh ca giăng mắc ánh lung linh.

Chuyện đời xưa kể dưới ánh nến hồng
đêm cổ quái hằn sâu trong ký ức
như cội nguồn của những điều mong ước
dưới cơn mưa phùn
ai đó sẽ đóng đinh ai.

Em vẫn đợi mùa xuân về hiển hiện
Ta nhớ người loáng thoáng đến trong năm
thế mới biết mình còn yêu cổ tích
đêm Giáng sinh đem phơi tất ngoài hiên.

2015
Phan Thanh Bình


Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

CẢM NGHĨ NHÂN ĐỌC: PHẲNG & NGHIÊNG CỦA NHÀ THƠ PHAN THANH BÌNH

Thảo Ngọc
thành viên hội thơ - nhạc Facebook Việt Nam










Xuyên suốt toàn bộ tập thơ với 39 bài nhà thơ Phan Thanh Bình đã dùng những câu thơ hay nhất, những vần thơ đẹp nhất và tài hoa nhất để gợi tả chứa nhiều nội tâm và rất gợi cảm.

Những ngày tháng đó em chưa có
Nên chỉ riêng anh với cuộc đời
Một góc tâm hồn anh tuổi trẻ
Nếu tìm em sẽ nhận ra thôi.
(Nếu Tìm Em Sẽ Nhận Ra Anh)

Đi qua mặt phẳng của hiện thực cuộc đời trần trụi Phan Thanh Bình đã đánh thức thực tại bằng những giấc mơ nghiêng.

Thơ anh như một thực thể có hồn, là hình ảnh thơ đa nghĩa người đọc nhận ra nỗi niềm hoài niệm của nhà thơ, niềm trân trọng và yêu thương sâu sắc đối với tình yêu con người.

Em sống trong đời phố
Phố che chở đời em
Từ khi anh đến nữa
Thành một cõi nhân tình
(Người Sài Gòn Nhân Hậu)

Dù bằng thể loại thơ gì, thơ tự do, thơ sáu tám, thơ bảy chữ, thơ bốn câu, lối trình đạt của Phan Thanh Bình cũng giản dị mộc mạc. Những cảm nhận của anh được hình tượng hoá, thông qua cảm xúc để trở thành từng lời bộc bạch, trực ngôn , chân chất.

Anh hiểu lắm nỗi nhọc nhằn cây lúa
Câu hát em cũng đắn đo theo mùa vụ
Chiếc đòn gánh cong lên mùa thu trĩu xuống
Kiu kịt tháng năm phân mảnh đời người.
(Nghe Câu Dân Ca Nam Trung Bộ)

Cái bao trùm thơ PTB là sức truyền cảm , giàu chất trữ tình, chân chất, lối thể hiện sâu sắc mà hồn hậu, nhân bản để cho đời chút mật ngọt hương thơm và cả vị đắng . Đó chính là trí tuệ và sáng tao.
Người đọc đón đợi ở anh những sáng tạo hay hơn nữa.

30/06/2015
Ngọc Thảo

Một đêm mùa đông


Sóng 3G chập chờn
Mùa Đông ốm rồi
anh giãn mình lần thứ tư trong đêm

mở cửa sổ
nhìn xuống cành cây đang co rút
nhập nhoằng dây điện, đèn phố miên man

Đêm hội thánh thần
khua âm đồng vọng
tiếng chân người dồn về phía bên kia

Loài chim ăn thịt
vừa bay ngang đây
nhả bóng tối rơi dần xuống đáy.

anh khép cửa cho bình minh ló rạng
có thể
ngày mai vẫn còn.

06/12/2015
Phan Thanh Bình

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

Không đề

Căn nhà dập dềnh
chực trôi
chớp mắt chụp quang cảnh ngoài cửa sổ
nhòe nhoẹt bức xạ mùa đông

Em lên chùa
bàn tay chắp nỗi buồn, chiêm bái
bàn tay xòe cánh sen tịnh độ

dòng sông chảy từ thâm sâu ra biển
mang theo ngôn ngữ của muôn loài

Nắng ngày vỡ ngày
mưa đêm khép đêm
đi hết con đường lại tới một con đường

Anh đi mãi
nỗi xa em.

4/12/2015
Phan Thanh Bình