đã nghỉ hưu. Hiện ở Tuy Phước - Bình Định.
"Nhà", "phố" là nét đặc thù của đô thị. Các nhà thơ khác khi nói về "phố" Sài Gòn là nói đến "phố xá đông vui tấp nập dòng người" (Hải yến), nói đến "nhà" Sài Gòn là nói đến cao ốc, biệt thự, buyn-đinh hoa lệ. Còn ở đây, Phan thanh Bình chỉ nói đến mối quan hệ giữa con người với "nhà", "phố" Sài Gòn, nơi "đất ở" của con người. Nhà thì "bám" theo đường, người thì "bám" phố. Vâng, "bám", tưởng chừng như không gì gắn kết bền chặt hơn giữa người với nơi đất ở như thế. Cũng giống như cây thì phải "bám" đất mới có nguồn dinh dưỡng, người ở nông thôn phải "bám" ruộng vườn mới có cái ăn, người Sài Gòn phải "bám" phố mới sinh tồn. Đó là lẽ tự nhiên của quy luật cuộc sống. Con người khắp nơi hội tụ về Sài Gòn để "cộng sinh" không biết tự bao giờ, có lẽ từ thưở "lập điền" đã có sự "cộng sinh" này rồi.
"Miền Nam là đất lành thì Sài Gòn đứng ở góc độ nào đó cũng là một đô thị hiền hòa" (Minh Hương). Cùng với nhận xét trên, Phan Thanh Bình cũng đã khẳng định
"Đất Sài Gòn không kiêu bạc
Cho anh về bên em"
Phải, "Đất Sài Gòn không kiêu bạc", Sài Gòn luôn dang rộng hai cánh tay mà đón con người từ mọi miền đất nước về sinh sống nơi này. Đó là nơi gặp gỡ của tình yêu đôi lứa "Cho anh về bên em". Đó còn là nơi gặp gỡ của tình người. Không phân biệt là người Bắc hay Trung, Nam, không phân biệt người vùng miền nào mà chỉ biết ai sống nơi đất Sài Gòn là "người Sài Gòn". Một nhà thơ khác cũng đã nói về điều này :"Sài Gòn yêu người đã xa/ Sài Gòn cũng yêu người vừa tới/ Sài Gòn yêu người ở lại/ Sài Gòn cũng yêu người sắp đi".
Nếu ở nông thôn mảnh vườn, thửa ruộng, dòng sông là nơi kiếm sống và làng mạc là chỗ dung thân của người miền quê thì Sài Gòn :
"Đường là nơi kiếm sống
Phố là chỗ dung thân"
Hai câu thơ tuy không có yếu tố miêu tả nào nhưng có sức gợi rất lớn về khung cảnh sầm uất, phố phường đông đúc tấp nập ồn ào cảnh buôn bán, đường phố thì nườm nượp xe cộ ngược xuôi. Phải chăng đó là cảnh con người "kiếm sống"? Mà nơi nào cho họ cái để sống thì nơi đó là chỗ để họ "dung thân". Cái tài của nhà thơ ở chỗ tuy không nói đến từ "đô thị","thành thị" nhưng cái chất "thị" ở đô thành Sài Gòn như hiển hiện ở hai câu thơ trên.
"Ai cũng là quen biết
Nhưng chẳng ai biết mình"
Hai câu thơ, mới đọc qua, người đọc như nhận ra một điều nghịch lý: "quen biết" mà sao lại "chẳng ai biết mình". Lạ thật đấy! Nhưng bóc cái "lạ" ở lớp vỏ ngôn từ, người đọc bắt gặp cái rất "quen" trong tính cách con người Sài Gòn. Đó là sự thân thiện cởi mở, là lòng tốt và sự rộng dung. Mặc dù là dân tứ xứ nhưng khi đã gặp gỡ giao tiếp, họ luôn đối xử với nhau bằng sự chân thành, cởi mở, bộc trực, sẵn sàng đùm bọc cưu mang "Ai cũng là quen biết". Nhưng không xét nét, tò mò đời tư của người khác "Chẳng ai biết mình". Chân tình, cởi mở, bao dung, đó là bản sắc của người Sài Gòn. Người Sài Gòn còn có một điểm chung:
"Em sống trong đời phố
Phố che chở đời em
Từ khi anh đến nữa
Thành một cõi nhân tình"
"Đời phố - Đời em", giữa đất và người luôn có sự gắn bó với nhau đời kiếp vững bền. "Đời em" có tồn tại bền lâu là nhờ tấm lòng bao dung "che chở" của "đời phố" Đất Sài Gòn nhân hậu là thế! Không chỉ che chở cho "đời em" thôi đâu, Sài Gòn còn che chở cho đời anh, che chở cho bất cứ ai "đến" "cộng sinh" ở mảnh đất này. Còn nhớ câu "Đất lành chim đậu". Sài Gòn quả là "đất lành" để con người "dung thân" tạo "Thành một cõi nhân tình". Từng nghe nói "cõi đời", "cõi tiên", "cõi mộng" chứ "cõi nhân tình" thì mới biết lần đầu ở thơ Phan Thanh Bình. "Cõi" gợi lên ý niệm về một không gian trang trọng, thiêng liêng. Mà "nhân tình", tình người là giá trị tinh thần cao quý, thiêng liêng thì thiết tưởng không gì thích hợp hơn khi đưa "nhân tình" vào "cõi". Phải, đối với nhà thơ, đất Sài Gòn không chỉ đơn thuần là "đất ở" mà còn là "cõi nhân tình" cao đẹp đáng trân trọng. Và cũng với một thái độ trân trọng nhà thơ khẳng định:
"Người Sài Gòn thanh hậu"
Lời nhận xét bao bọc một tình yêu mến, trân trọng người Sài Gòn. Đúng vậy, người Sài Gòn rất "thanh lịch" và "nhân hậu". Ngòi bút của nhà thơ hướng về cái "hậu", cái đẹp trong tính cách con người Sài Gòn hơn bởi lẽ họ sống trong "cõi nhân tình" mà. Đây là lời nhận xét của Em, của Anh hay của người ngoài cuộc? Hãy đọc những dòng thơ tiếp:
"Sống mãi trở lên quen
Bất chợt hôm nay nhớ
Mình ở đây lâu rồi."
Người (nhân vật trữ tình-nhà thơ) đưa ra lời nhận xét trên không phải là người sinh ra ở đất Sài Gòn, chỉ là người sống "ở đây lâu rồi". Vì sống "lâu", "sống mãi" ở nơi này nên "trở lên quen", trở thành người Sài Gòn tự bao giờ mà không hay cho đến khi "Bất chợt hôm nay nhớ". Cái "bất chợt" của anh thật ngớ ngẩn nhưng cũng thật đáng yêu vì nó hồn nhiên quá. Cái hồn nhiên của người Sài Gòn.
Bộc lộ tình yêu đối với Sài Gòn các nhà thơ có những cách nói riêng.Có người bộc lộ nỗi nhớ niềm thương qua phố phường nhà cửa Sài Gòn, qua cái tấp nập ồn ào của dòng xe cộ. Có người lại chọn cái mưa, cái nắng Sài Gòn để gửi gắm nỗi niềm. Hoặc ghế đá công viên, con đường, góc phố, quán xá... Nhưng Phan Thanh Bình không thế, anh chọn "người Sài Gòn" để thể hiện tình yêu. Chính vì thế mà Người Sài Gòn Thanh Hậu của anh khi đứng bên nhiều bài thơ khác của các nhà thơ khác nó không lẫn, không lặp, không nhàm. Nó mang một nét rất riêng, "rất Phan Thanh Bình".
Không chỉ có nét riêng trong việc chọn đối tượng thể hiện ý tưởng mà anh còn có nét riêng trong cách thể hiện. Không bóng bẩy ở ngôn từ, không du dương ở âm điệu, thơ anh luôn mang một giọng điệu dứt khoát, sắc gọn, ngôn ngữ rất đời thường nhưng cũng rất thơ, hình tượng thơ luôn mang nhiều ý nghĩa biểu trưng sâu sắc. Riêng ở bài thơ này, anh có sử dụng một số từ Hán Việt: lập điền, cộng sinh, kiêu bạc, nhân tình, thanh hậu chắc không ngoài mục đích bộc lộ thái độ trân trọng đối với "người Sài Gòn thanh hậu"
"Sài Gòn bây giờ thành phố đã đổi tên/Tôi vẫn muốn gọi bằng cái tên thương mến cũ", Nguyễn Tường Thụy đã nói như thế. Chắc nhà thơ Phan Thanh Bình cũng muốn như vậy nên cái tên Sài Gòn, "cái tên thương mến cũ" cứ vang lên một cách trìu mến, tự hào trong thơ anh. Bởi thế Người Sài Gòn Thanh Hậu là tiếng lòng tha thiết của anh đối với Sài Gòn, một "cõi nhân tình" đầy kiêu hãnh.
Tuệ Mỹ 28/10/2015