Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

Hoàng Thị Hà - Cảm nhận về bài thơ Lưu dấu mùa xuân

Hoàng Thị Hà
Bạn yêu thơ - Hà Nội

Lưu dấu mùa xuân

Con lại sống giữa nôn nao chợ tết
cánh hoa tươi thấm nước dịu hàng hoa
cha bận viết thư cuối năm gửi bạn
xuân trước xuân sau khác nhau nhiều

lưu dấu mùa xuân con nhớ mãi
khi nắng tràn qua khe suối cạn khô
chim én vượt mùa đông về đồng bãi
ngôi nhà ta dựa lưng cánh rừng già

tuổi thơ con theo chú chuồn chuồn nắng
một đôi lần quên dép, cỏ mọc lên
cha cao lớn tìm con chiều sắp tắt
mấy ngả đường đất sỏi chẳng có tên

góc bếp nhện giăng lửa khói vòng tròn
đêm xuân ấm cha con không sưởi lửa
sao trời trong mắt con rơi xuống nước
dễ nói như mùa xuân - cha lặng im

con bên cha hai mươi mùa xuân
cha chỉ cho đi, riêng con được nhận
con thở khí trời, ngào hương đồng mật
trẻ như lòng con - lưu dấu mãi đời cha
1992
Phan Thanh Bình



CẢM NHẬN CỦA HOÀNG THỊ HÀ

Bạn tự hỏi bạn nhớ cha mẹ mình vào những khoảnh khắc nào? Có quá nhiều thời gian để nhớ, khi trước mặt ta hiện lên những khung cảnh tuổi ấu thơ, những hình ảnh thân thuộc hằng ngày như đã gắn với nhiều kỷ niệm cũ đầy thân thuộc, nỗi nhớ ấy cứ nghèn nghẹn nhưng đau đáu, rõ ràng như vừa mới đây thôi cha mẹ vẫn ở bên mình. Trong những đêm khó ngủ, những ký ức hiện về và nỗi lòng bạn như bông hướng dương khao khát ánh sáng - đó là thứ ánh sáng vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ của tình thương. Bạn cảm giác mình vẫn như một cây non đang lớn lên, một đứa trẻ vẫn muốn nhận được sự bao dung, che chở. Nhất là khi bạn đã lớn lên phải sống cách xa gia đình, bạn tự hỏi bạn đã làm được gì khi cha mẹ mình mỗi ngày một già đi... Điều bạn có nhiều cũng chỉ là nỗi nhớ, cái nỗi nhớ mà khi gặp cha mẹ bạn không nói thành lời nhưng bạn có thể viết ra những khi ở xa. Với Nhà thơ Phan Thanh Bình là một trường hợp. Rời Bình Thuận vào Sài Gòn công tác và sinh sống, khi đã có một gia đình riêng, đã trở thành một người cha, tác giả nhớ về cha mình. Mỗi mùa xuân đi qua, nỗi nhớ chẳng đổi thay mà đầy lên theo năm tháng:

Con lại sống giữa nôn nao chợ tết
Cánh hoa tươi thấm nước dịu hàng hoa

Tứ thơ có thể được bắt đầu từ một phiên chợ Tết nhưng nỗi nhớ bắt đầu từ ấu thơ. Cái nôn nao của phiên chợ Tết là cái nôn nao trong nỗi nhớ cha mình, cái nôn nao của nỗi nhớ đã lặp đi lặp lại nhiều mùa xuân. Đi giữa những ồn ào và đang sống với những ồn ào ấy, nhà thơ lại nhớ cha ở quê nhà. Có thể nhìn vào đâu trong cảnh Tết cũng thấy nôn nao, ngay cả khi nhìn vào một "Cánh hoa tươi thấm nước" khiến lòng dịu lại. Tết sum vầy đoàn tụ, Tết ấm áp của con người, cảnh vật, của những mới tươi, đẹp đẽ và nỗi nhớ cứ hiện về lưu quá khứ vào thực tại. Tết tình thân, Tết của sẻ chia tri âm, tri kỷ- trong tác giả hiện lên hình ảnh người cha giờ này chắc đang bận viết thư cuối năm gửi bạn như những năm trước đây. Trong lá thư đó có hỏi han, có thể là những kể lể... nhưng đọng lại dấu ấn thời gian "Xuân trước xuân sau khác nhau nhiều", những người bạn già đi, thời gian, cuộc sống đổi thay nhưng họ vẫn trân trọng nghĩa tình. Mùa xuân dù đẹp, dù ấm áp cũng qua đi nhưng vẫn lưu giữ lớp lớp ký ức trở về "Lưu dấu mùa xuân con nhớ mãi". Đó là nắng ấm mới "tràn" về qua "khe suối cạn khô", là hình ảnh xa xa từng đàn chim én đang bay "về đồng bãi" báo tin xuân về, bên "cánh rừng già" có ngôi nhà của mẹ cha nơi nhà thơ đã sinh ra và khôn lớn. Những kỷ niệm tuổi thơ hồn nhiên mà sống động. Tuổi thơ thường chạy theo những chú chuồn khoai, chuồn kim, chuồn ớt trong nắng trưa, mải chơi đến nỗi "quên dép, cỏ mọc lên". Người cha bao dung, độ lượng đã đi tìm con trên những "con đường đất sỏi chẳng có tên" ấy và cái bóng cao lớn vẫn in mãi tận sau này trong tâm trí khi người con lớn lên. Không gì thân yêu bằng ngôi nhà nhỏ, những điều bình dị nhất cũng đều trở lên đẹp với tuổi thơ. Đó là "Góc bếp nhện giăng lửa khói vòng tròn", đêm mùa xuân ấm áp, là đôi mắt sáng của người con - người cha coi đó là sao trời, là ước mong, hy vọng - là một mùa xuân trong lặng im đôi mắt của người cha. Mùa xuân chất chứa, mùa xuân của tình cha cao đẹp, suốt "hai mươi mùa xuân" ấy, cha luôn ở bên để dạy con bằng ý chí, bằng tình yêu thương, truyền cho con tinh thần và nghị lực. Như "khí trời" trong tự nhiên con được thở, như hương vị của "đồng mật" những chắt chiu ngọt ngào giúp con khôn lớn, đối với cha dường như con luôn còn trẻ, còn bé thơ muốn "được nhận" mãi những ân cần của cha. 

Mỗi ký ức về cha đều lưu dấu mãi trong con qua những mùa xuân của cuộc đời. Hình ảnh người cha nhân hậu hiện lên trong nỗi nhớ mùa xuân, trong ký ức tuổi thơ thật đẹp, mỗi câu thơ là một hình ảnh hiện thực, gắn bó, trong lành và nhẹ nhàng, cả bài thơ không một chút cường điệu, không một từ hoa mỹ rất tự nhiên đã trở thành một tài sản quý lấp lánh theo thời gian, mãi là mùa xuân của niềm tin, mùa xuân của tình yêu, ước ao, khát vọng được sống mãi với tuổi thơ và cha mẹ mình. 

Đọc bài thơ tôi hiểu những điều ruột thịt luôn thân yêu và đẹp nhất, những sự thật của tình Phụ tử, tình Mẫu tử tự nó đã trở thành bài thơ cho cuộc đời mỗi người. Thỉnh thoảng nhớ về cha mẹ mình, tôi đã khóc, khóc vì sự cách xa, vì nhớ thương, kính trọng nhưng không có cách nào khác được, ai lớn lên gần như cũng phải xa cha mẹ và tôi biết ngày nào cha mẹ còn sống trên đời còn luôn nghĩ và nhớ về các con. Chắc viết cả một cuốn tiểu thuyết dầy về cha mẹ cũng chưa đủ...! 

Cảm ơn Nhà thơ Phan Thanh Bình đã cho tôi được đọc một bài thơ đầy xúc động, bài thơ Lưu dấu mùa xuân, Bài thơ thứ 39 trong tập thơ Phẳng & Nghiêng tôi đọc năm 39 tuổi, tôi có thói quen đọc những bài thơ cuối cùng, những trang sách cuối cùng!!! 

Hà Nội ngày 30 tháng 12 năm 2015 
Hoàng Thị Hà 


Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

CHIỀU ĐÊM CUỐI NĂM



Tan tầm
xe dồn về phía tắc đường
nàng Molisa trốn đâu
giữa tiếng chuông ngân và tiếng còi tàu
Ta muốn làm AQ trong quán nhậu.

chiều cuối năm giục về chốn yên bình
ngôi nhà cũ vừa sơn thêm lớp mới
Em phủ tuyết trong căn phòng chật chội
bài Thánh ca giăng mắc ánh lung linh.

Chuyện đời xưa kể dưới ánh nến hồng
đêm cổ quái hằn sâu trong ký ức
như cội nguồn của những điều mong ước
dưới cơn mưa phùn
ai đó sẽ đóng đinh ai.

Em vẫn đợi mùa xuân về hiển hiện
Ta nhớ người loáng thoáng đến trong năm
thế mới biết mình còn yêu cổ tích
đêm Giáng sinh đem phơi tất ngoài hiên.

2015
Phan Thanh Bình


Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

CẢM NGHĨ NHÂN ĐỌC: PHẲNG & NGHIÊNG CỦA NHÀ THƠ PHAN THANH BÌNH

Thảo Ngọc
thành viên hội thơ - nhạc Facebook Việt Nam










Xuyên suốt toàn bộ tập thơ với 39 bài nhà thơ Phan Thanh Bình đã dùng những câu thơ hay nhất, những vần thơ đẹp nhất và tài hoa nhất để gợi tả chứa nhiều nội tâm và rất gợi cảm.

Những ngày tháng đó em chưa có
Nên chỉ riêng anh với cuộc đời
Một góc tâm hồn anh tuổi trẻ
Nếu tìm em sẽ nhận ra thôi.
(Nếu Tìm Em Sẽ Nhận Ra Anh)

Đi qua mặt phẳng của hiện thực cuộc đời trần trụi Phan Thanh Bình đã đánh thức thực tại bằng những giấc mơ nghiêng.

Thơ anh như một thực thể có hồn, là hình ảnh thơ đa nghĩa người đọc nhận ra nỗi niềm hoài niệm của nhà thơ, niềm trân trọng và yêu thương sâu sắc đối với tình yêu con người.

Em sống trong đời phố
Phố che chở đời em
Từ khi anh đến nữa
Thành một cõi nhân tình
(Người Sài Gòn Nhân Hậu)

Dù bằng thể loại thơ gì, thơ tự do, thơ sáu tám, thơ bảy chữ, thơ bốn câu, lối trình đạt của Phan Thanh Bình cũng giản dị mộc mạc. Những cảm nhận của anh được hình tượng hoá, thông qua cảm xúc để trở thành từng lời bộc bạch, trực ngôn , chân chất.

Anh hiểu lắm nỗi nhọc nhằn cây lúa
Câu hát em cũng đắn đo theo mùa vụ
Chiếc đòn gánh cong lên mùa thu trĩu xuống
Kiu kịt tháng năm phân mảnh đời người.
(Nghe Câu Dân Ca Nam Trung Bộ)

Cái bao trùm thơ PTB là sức truyền cảm , giàu chất trữ tình, chân chất, lối thể hiện sâu sắc mà hồn hậu, nhân bản để cho đời chút mật ngọt hương thơm và cả vị đắng . Đó chính là trí tuệ và sáng tao.
Người đọc đón đợi ở anh những sáng tạo hay hơn nữa.

30/06/2015
Ngọc Thảo

Một đêm mùa đông


Sóng 3G chập chờn
Mùa Đông ốm rồi
anh giãn mình lần thứ tư trong đêm

mở cửa sổ
nhìn xuống cành cây đang co rút
nhập nhoằng dây điện, đèn phố miên man

Đêm hội thánh thần
khua âm đồng vọng
tiếng chân người dồn về phía bên kia

Loài chim ăn thịt
vừa bay ngang đây
nhả bóng tối rơi dần xuống đáy.

anh khép cửa cho bình minh ló rạng
có thể
ngày mai vẫn còn.

06/12/2015
Phan Thanh Bình

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

Không đề

Căn nhà dập dềnh
chực trôi
chớp mắt chụp quang cảnh ngoài cửa sổ
nhòe nhoẹt bức xạ mùa đông

Em lên chùa
bàn tay chắp nỗi buồn, chiêm bái
bàn tay xòe cánh sen tịnh độ

dòng sông chảy từ thâm sâu ra biển
mang theo ngôn ngữ của muôn loài

Nắng ngày vỡ ngày
mưa đêm khép đêm
đi hết con đường lại tới một con đường

Anh đi mãi
nỗi xa em.

4/12/2015
Phan Thanh Bình

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Hôm nay và đêm trước




1
Thức cùng tiếng mưa đêm
nghe tóc mình cháy khét
đặt tay lên bàn phím
khiến laptop giật mình.

những luồng tin quốc tế
đang đổ lên trang nhà
Paris và nước Pháp
thứ Sáu ngày mười ba.



Tiếng súng dừng tiếng nhạc
trong cung Ba-tac-lan
máu nào cũng máu đỏ
máu nào phân chính – tà.

đường biên không giới tuyến
thiện ác cứ nhập nhằng
trận cầu chưa kết thúc
trái bóng còn đang lăn.

thôi không mừng sinh nhật
ngày hôm sau của mình
ước gì đàn chim lạc
cất trống đồng bay lên.


2
Đợi em trên sân ga
ngày dài như chiếc ống
nụ hôn anh vừa kịp
bên mép nắng đường xa

Em đã viết lên dòng
mừng anh ngày sinh nhật
Anh đã vẽ lên đồi
hạnh phúc hình bầu dục

Em đến rồi em đi
rải cơn mưa vào nắng
con đường chiều Sài Gòn
lại cuộn lên thành thác

mùa đông đang lượn lờ
những ngày không có rét
mà đêm chừng buốt lạnh
ướt những vì sao xa

không thể chọn cho đời
toàn những ngày tươi đẹp
mình góp lại cho nhau
những tinh vân ánh sáng.


2015
Phan Thanh Bình


Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Nói với em


Khi người ngồi bên tôi
xin đừng thành xa lạ
mắt người long lanh quá
có phải dành cho tôi?

khi người ngồi bên tôi
đừng lặng im vô tội
dù tôi có bực bội
hãy nói lời yêu tôi

khi người ngồi bên tôi
đừng trách tôi thô thiển
đừng trách tôi vội vã
bởi nhiệt huyết tình tôi

khi người ngồi bên tôi
thời gian sẽ ngừng trôi
tôi quên đời tuyệt vọng
khao khát người mãi thôi.

2015
Phan Thanh Bình

Thơ cho em


Bây giờ
sau tất cả mọi điều
anh đã không nhận ra em
được và mất xảy ra trong chớp mắt
chưa đi qua bão giông mà anh tự ngã
một mình em về lại cuối con đường

ngôi nhà đồng quê
tay trong tay đan thành năm ngón
lời yêu tha thiết
đêm Giáng sinh đợi Chúa an lành
có những điều chưa thể nói cho nhau

cõi riêng ấy nơi anh đã chạm
em con gái làm sao con gái
tiếng dương cầm im rơi từng giọt
anh nghiêng bờ vai
em nghiêng mái đầu

tĩnh lặng
tĩnh lặng
phút mê đắm tưởng chừng không thể dứt
cầm bàn chân em
yêu vết thời gian

đêm này
trời se lại nỗi cô đơn
anh nhắm mắt hình dung em đang ngủ
mong hơi thở em đều
đừng thêm tiếng nấc
chỉ sáng mai thôi
câu thơ anh hóa đá đợi em về.

2015
Phan Thanh Bình



Video bài thơ Thơ cho em
do Đài PTTH Thừa Thiên Huế (TRT) thực hiện tháng 10/2018
NS Đình Trung trình bày


Em đi về phía biển



Em đi về phía biển
trời xanh có xanh hơn?

anh ở lại thành phố
nhìn hàng cây đứng im
đại lộ chiều nắng gắt

sóng có nhớ tên em
như là anh đã nhớ
cát có gọi tên em
như anh đang thầm gọi.

2015
Phan Thanh Bình

Nhật ký ngày xa em


Anh xin nhận về mình những điều ngu ngốc
trả tình em cho em
anh xin nhận về mình những đêm dài không ngủ
để bình yên cho em

anh xin nhận về mình ký ức
đưa em về với chồng

anh đốt lửa em là người giữ lửa
nhưng chúng ta đã cháy mất rồi
anh có lỗi hay là em có lỗi?
đời không dạy chúng ta yêu

mai xa rồi em có biết cho không
phần còn lại đời anh là nghiệt ngã
lết trong bóng đêm, cuộn trong ánh sáng
độc hành

em sẽ đẹp bên chồng
rực trong chiếc váy đỏ
nước mắt khóc vì anh
em sẽ khóc với chồng

mình chỉ còn nhau
trong cõi
nhân sinh.

2015
Phan Thanh Bình

Tín hiệu không lời





Mỗi đầu ngày thức giấc nhớ về em
nghiêng bên nào cũng thấy mình có lỗi
tia nắng sớm đến bên anh luôn là tia nắng mới
như là em, như không phải là em

những vì sao đêm qua xuyên ngang, xuyên ngang
đan chéo vào anh như ảo giác
em đến bên anh mỗi lần mỗi khác
mỗi lần anh lại thấy cô đơn

anh mang bên mình cái vỏ ưu phiền
cái trống rỗng ẩn sâu thăm thẳm
em kiêu hãnh bước qua miền ánh sáng
đi qua anh bằng sự bướng bỉnh của riêng em

năm tháng sẽ rộng hơn, năm tháng sẽ dài hơn
đủ mài mòn chúng ta và tất cả
em có nghĩ những điều anh đang nghĩ
những điều anh tìm kiếm mãi không thôi

em sẽ là tia nắng đến bên anh?
làm tín hiệu báo một ngày đã sáng.

2015
Phan Thanh Bình

Hạt cỏ và tôi



Giấu mình một ngàn năm
hạt cỏ trở mình, thức giấc
không gian lặng thinh
hạt cỏ ngủ thêm một ngàn năm nữa

Tôi hôm nay đi qua vùng cát mặn
khát nước
khát gió
khát môi em

hạt cỏ bình yên ngủ
nhưng tôi phải thức
vì em đang chờ
dù em im lặng.

2015
Phan Thanh Bình


Người đàn bà với giò phong lan


Người đàn bà đã ly hôn
khao khát tình yêu
sợ lời có cánh

chị chăm những giò phong lan mang về sau những chuyến đi xa
những chuyến đi một mình
kỳ thú trước thiên nhiên
buồn riêng một góc

chị chờ lan ra hoa
lần sau chờ lâu hơn lần trước
những giò phong lan vẫn cứ xanh
đợi niềm hy vọng

Tôi không thể cho chị một điều ước
nhưng tôi sẽ chỉ cho chị
bí quyết để lan ra hoa.

2015
Phan Thanh Bình


Lời bình của Tuệ Mỹ

Giận


Khi chúng mình giận nhau …
em muốn anh phải buồn hơn em một chút
và lên tiếng nói lời xin lỗi trước
để em bù đắp bằng yêu thương

anh cũng muốn em phải buồn hơn anh một chút
và lên tiếng làm hòa trước
để anh bù đắp bằng những nụ hôn

nhưng không có đứa nào buồn hơn đứa nào
cái tôi lớn hơn sự bù đắp
dù vẫn đang yêu.

2015
Phan Thanh Bình

Hoa hồng của một ngày


Hoa hồng của một ngày
anh bớt nghèo túng quẫn
vài hôm em lại đến
mang dáng chiều chân quê

phút giây đời tĩnh lặng
muôn dáng vẻ trăm chim
em thành nguồn cảm xúc
cuốn theo dòng thơ anh

sẽ không là mùa thu
nếu không vàng hoa cúc
sẽ không là hoa hồng
trong đời anh không em

một ngày trong một đời
anh biết rằng anh có
vì hoa hồng chúng ta
nở từ trong nắng gió.

1994
Phan Thanh Bình

Không đề


Rải rác nắng vàng, ca khúc cũ.

Hoa cầm hương trời chiều
khuất chìm sau mắt ướt

biển sóng vào bờ xa
gió góp vào cát đá
điềm báo của thời gian

thôi tiếng hát đá cuội
tôi còn gì nữa đây
những chuyện đời vụn vặt
không nhắc dịp thu sang.

1993
Phan Thanh Bình


Cùng em vào Harvard


Anh muốn cùng em vào Harvard
tìm ánh lung linh sáng ngọc ngà
tìm thấy chính mình trong bản ngã
một đời ta có hiểu được ta?

loài người đang tìm chân lý rộng
để vén bức màn “Veritas”(*)
anh chỉ đi tìm chân lý hẹp
từ mỗi cuộc đời đang mở ra.

thế giới chẳng bao giờ yên tĩnh
tiếng súng chưa im nổi một ngày
viên đạn bắn ra từ trang sách
đức tin này đe dọa đức tin kia.

anh muốn cùng em vào Harvard
tìm một tình yêu của cuộc đời
đặt lại cho mình điều lý tưởng
mặc dù nhân loại đúng hay sai.

em rất thực nhưng cũng đầy bí ẩn
như màu nâu đỏ ở trên tường
sau chồng sách em thành người kiêu hãnh
vẫn ngại ngùng khi nhận nụ hôn anh.

2015
Phan Thanh Bình

(*) Verita: Tiếng La tinh có nghĩa là sự thật. Đây là phương châm giáo dục của Đại học Harvard.

Không đề




Sao không nói yêu anh
lúc anh còn hiện diện
sao em cứ ngập ngừng
để chúng mình cách xa

những ngày tháng đã qua
giờ mãi không đến nữa.

2015
Phan Thanh Bình

Lê Lai - kỷ niệm phố




Bất chợt chiều nay anh ghé phố Lê Lai
không phải cố tình đâu em nhưng bàn chân cứ bước

ngày ấy
trên căn gác chỉ có hai người
và những chiếc ghế
họ đã ngồi bên nhau
trong khoảng khắc
hóa thân thành vũ điệu tình yêu

giờ họ đã chia tay
nước mắt đã rơi
bàn tay đã ướt
ghế còn ấm hơi người
vũ điệu tình yêu bị không gian cô đặc

anh vẫn còn nghe tiếng guốc của người con gái
tiếng nện gót giày của người con trai
hình như họ đang chơi trốn tìm…

họ sẽ về thôi
từng chiếc ghế đang đợi
anh không biết sau này ai sẽ kể
câu chuyện tình và vũ điệu hóa thân
có thể nào, sau này. Em sẽ
về Lê Lai - kỷ niệm phố cùng anh?

2015
Phan Thanh Bình

Tự cảm


Trong suy nghĩ của em
anh là cánh đồng gió
thổi miên man về miền viễn xứ

trong câu thơ anh
em là người đàn bà khóc
nước mắt giấu vào tim

biết đến bao giờ
mình sẽ lại tìm
được nhau?

2015
Phan Thanh Bình

Phù sa nắng


Qua cầu Cần Thơ
thương dòng sông Hậu
tiếc con phà mục nắng bến Ninh Kiều

đã hết một thời em con gái
hết một thời anh lãng đãng phiêu bồng
nhắm mắt lại để hình dung xem có gì, nhưng chẳng có

mở mắt
em như nắng làm mềm cầu vĩnh cửu
anh ngập ngừng, đón hơi nước ven sông

2015
Phan Thanh Bình


Người đàn bà kể


Chuyện em kể qua từng ô cửa sổ
lấp loáng mặt người theo thứ tự thời gian
sau vết cắt cuộc đời, bây giờ anh mới hiểu
băng giá ẩn mình, băng giá lâu tan


“… Xin anh đừng làm tấy vết thương em
yêu lần nữa không làm em hạnh phúc
anh cứ đến, cứ đi mỗi khi anh có thể
mỗi khi cần anh cứ gọi cho em...
em đã từng đi qua nỗi đau
nên cái nắng buổi chiều cũng nhạt.
nói chuyện hôm nay thôi, đừng nói đến ngày sau
yêu một chốc, không cần yêu mãi mãi
sống cho mình không phải sống để hy sinh
em sợ đi qua những cuộc tình
lời gian dối ngọt ngào làm em không thể cưỡng
em sợ những người đàn ông đích thực
đến bên em lại tìm cách xa em.
em muốn sống khép mình như cỏ nguội
bất cần đời mỗi sớm mai lên…”

Ước gì ký ức mất dần đi
uớc gì ngày mai anh có thể
nắm tay em đi giữa thảo nguyên xanh căng mình trong nắng sớm
ta vạch những nét dọc ngang ở cuối chân trời
ngón tay gầy em đợi nhẫn anh trao.

2015
Phan Thanh Bình

Tuệ Mỹ - Bình bài thơ Người đàn bà với giò phong lan

Tuệ Mỹ
Giáo viên văn cấp THCS
Đã nghỉ hưu, hiện ở Tuy Phước - Bình Định

Người đàn bà với giò phong lan

Người đàn bà đã ly hôn
Khao khát tình yêu
Sợ lời có cánh.

Chị chăm những giò phong lan mang về sau 
những chuyến đi xa.
Những chuyến đi một mình
Kỳ thú trước thiên nhiên
Buồn riêng một góc.

Chị chờ lan ra hoa
Lần sau chờ lâu hơn lần trước
Những giò phong lan vẫn cứ xanh
Đợi niềm hy vọng.

Tôi không thể cho chị một điều ước
Nhưng tôi sẽ chỉ cho chị
Bí quyết để lan ra hoa.
2015
Phan Thanh Bình



LỜI BÌNH CỦA TUỆ MỸ

Trong những khát khao của người phụ nữ, có lẽ khát khao lớn nhất của họ là tìm được một nửa của mình, tìm được hạnh phúc, tình yêu đích thực. Có người dù bị vấp ngã trên con đường kiếm tìm hạnh phúc nhưng cũng không chùng bước. Nữ sĩ Xuân Quỳnh đã từng bộc bạch nỗi lòng mình: "Em trở về đúng nghĩa trái tim em/Biết làm sống những hồng cầu đã chết". Đâu phải chỉ có phụ nữ mới hiểu lòng phụ nữ, nam giới cũng rất đồng cảm với phụ nữ về khát khao này, trong đó có nhà thơ Phan Thanh Bình với bài thơ Người Đàn Bà Với Giò Hoa Phong Lan. 
Đó là : 

"Người đàn bà đã ly hôn
Khao khát tình yêu"

Không phải đến lúc này người đàn bà đó mới "khao khát tình yêu" mà chắc chắn khi còn là thiếu nữ, chị cũng giống như cô gái trong bài hát này "Có người con gái buông tóc thề/Thu về e ấp chuyện vu quy"(Nỗi buồn gác trọ). Ước mơ vu quy chị đã đạt được nhưng tìm được một nửa của mình thì chưa. Vì nếu đã tìm được thì làm sao có chuyện "ly hôn". Ly hôn, chị lại trở về điểm xuất phát với trái tim tan nát. Nếu suy ngẫm về "Điều được mất xảy ra trong chớp mắt"(Phan Thanh Bình) thì hoàn toàn đúng với chị trong lúc này. Nhiều người phụ nữ không may rơi vào hoàn cảnh như chị, họ có nhiều cách giải quyết khác nhau. Có người thì "Từ rày khép cửa phòng thu" (Truyện Kiều), có người quyết đóng cửa trái tim bằng cách tìm đến tôn giáo. Nhưng riêng chị thì không. Chị quyết "trở về đúng nghĩa trái tim em/Làm sống lại những hồng cầu đã chết" (Xuân Quỳnh), tiếp tục dấn thân vào con đường tìm kiếm tình yêu đích thực. Vì nỗi "khát khao tình yêu" vẫn luôn cháy trong lòng chị. Nhưng lần kiếm tìm này khác với lần trước. Chị dè dặt hơn. Chị "sợ lời có cánh". Nhà thơ cũng đã có lần nghe chị kể :

"Em sợ đi qua những cuộc tình
Lời gian dối ngọt ngào làm em không thể cưỡng"
(Người đàn bà kể - Phan Thanh Bình)

Sợ những "lời có cánh" đó "không làm em hạnh phúc" mà chỉ "càng làm tấy vết thương em" (Người đàn bà kể). Chị sợ là phải vì "Một lần ngã là một lần bớt dại" (Tố Hữu) mà. Do vậy chị phải chờ đợi chứ không vội vàng như lần trước. Nhưng phải chờ đến bao giờ mới tìm được tình yêu đích thực? Chị không biết được nên chỉ nuôi "niềm hi vọng" mà thôi. Niềm hi vọng đó chị gửi gắm vào một loài hoa:

"Chị chăm những giò phong lan mang về sau những chuyến đi xa."

Trong muôn nghìn loài hoa, tại sao chị không chọn loài hoa nào khác để gửi gắm nỗi lòng mà lại chọn hoa phong lan? Đến đây, ta chợt nhớ lời một bài hát "Như hoa phong lan chờ đợi. Mưa gió không phai tàn" và lời thơ "Lộng lẫy phong lan phô cánh ngọc/Xinh tươi"đóa gió" lộ bông ngà" (Lê Trường Hưởng). Đó là lý do. Chọn phong lan để gửi gắm nỗi lòng phải chăng chị muốn khẳng định: Chị, vẫn còn đây vẻ "xinh tươi", lộng lẫy "tràn đầy sức sống". Chị, vẫn còn đây nỗi khát khao và niềm hi vọng bền chặt với thời gian như hoa phong lan "Mưa gió không phai tàn". Chị quả là người phụ nữ mạnh mẽ, quyết đoán! Chủ động đi tìm hạnh phúc tình yêu cho mình dù phải trả một giá đắt bằng sự đợi chờ:

"Chị chờ lan ra hoa
Lần sau chờ lâu hơn lần trước"

Dù "lần sau" có "lâu hơn", chị vẫn kiên trì chờ đợi chứ không vội vàng như lần trước nữa. Có ai đã từng nếm trải sự đợi chờ mới hiểu nó mòn mỏi như thế nào, khắc khoải ra làm sao, có khi phải rơi vào tuyệt vọng. Nhưng với chị thì không :

"Những giò phong lan vẫn xanh
Đợi niềm hi vọng"

Mặc dù lan chưa ra hoa, hạnh phúc tình yêu đích thực chưa đến với chị nhưng trong mắt chị "Những giò phong lan vẫn xanh" vì nó cùng chị "Đợi niềm hi vọng" mà.
Cảm thông với nỗi chờ mong của chị,"tôi" đã hứa :

"Tôi không thể cho chị một điều ước
Nhưng tôi sẽ chỉ cho chị
Bí quyết để lan ra hoa."

Nói đến "điều ước" người ta nghĩ ngay đến cổ tích. Chỉ có điều ước cổ tích mới dễ dàng có được. Ước gì được nấy, đã ước là có ngay. Không cho chị điều ước nghĩa là không mang lại hạnh phúc cho chị ngay được. "Nhưng tôi sẽ chỉ cho chị/Bí quyết để lan ra hoa". Không phải "cho" mà là "chỉ". Chỉ "bí quyết để lan ra hoa" nghĩa là chỉ cách tạo nên hạnh phúc. Thương chị, tại sao không trực tiếp mang lại hạnh phúc cho chị mà chỉ chỉ cách tạo dựng hạnh phúc thôi ? Trả lời câu hỏi này, người đọc phải suy ngẫm về một vấn đề triết lý: nên chỉ người ta cách tạo dựng hạnh phúc thì hạnh phúc đó mới có ý nghĩa đích thực và bền vững. Và hạnh phúc không phải tự nhiên mà có, không phải muốn là có được ngay. Muốn có hạnh phúc phải chính tay mình làm nên. Ba dòng thơ cuối đã mang đến cho người đọc bài học triết lý sâu sắc về ý nghĩa của hạnh phúc. Bài thơ được khép lại bằng "Bí quyết để lan ra hoa" nhưng lại mở ra cho người đọc nhiều liên tưởng về hạnh phúc. Hình ảnh "lan ra hoa" cũng đã gợi lên bao điều tốt đẹp về hạnh phúc. Hạnh phúc là hương, là hoa, là giá trị tinh thần cao quý mời gọi con người tìm đến và phải biết trân trọng giữ gìn khi đã có trong tay. Thế mới thấy thơ Phan Thanh Bình không chỉ giàu chất trữ tình mà còn đậm màu triết lý. Hình tượng thơ trong thơ anh không chỉ giàu sức gợi mà còn giàu ý nghĩa biểu trưng.

Bài thơ kể về chuyện buồn của người đàn bà mải tìm tìm hạnh phúc tình yêu lại được kết thúc bằng tín hiệu vui "Bí quyết để lan ra hoa". Đây là một kết thúc có hậu đậm tính nhân văn. Bởi thế "Bí quyết để lan ra hoa" như ánh hào quang tỏa rạng cả bài thơ .Đó là ánh sáng của tình yêu thương, của sự cảm thông sâu sắc đối với số phận con người bất hạnh. Đó là ánh sáng kỳ diệu của "điều ước" về hạnh phúc mà "tôi" muốn mang đến cho họ bằng "Bí quyết để lan ra hoa". "Bí quyết" thường gợi ra những điều bí ẩn và luôn đặt ra nhiều câu hỏi lớn cho con người trên con đường kiếm tìm hạnh phúc. Điều đó còn cho thấy con đường đến với hạnh phúc thật lắm gian nan. Nhưng không sao bời "Nếu tìm, em sẽ nhận ra ngay" (Phan Thanh Bình).

Nhận xét về thơ Phan Thanh Bình có nhiều bạn đọc nói "Đọc thơ Phan Thanh Bình, với những điều giản dị được cô đúc thành triết lý sống mang hương đời da diết" (Nguyễn Văn Song), "Tôi cảm thấy được nỗi buồn trong thơ anh được gỡ bỏ một cách rất đàn ông nhẹ nhàng, êm ái và cũng không kém phần dứt khoát" (Hà Tâm). Người Đàn Bà Với Giò Hoa Phong Lan là một trong những bài thơ được đón nhận những lời nhận xét đó.

16-8-2015
Tuệ Mỹ 

Hà Nội



Hà nội bây giờ là những vòng bánh xe quay.

Vị cốm vẫn nồng hương lúa
bàn tay em in trong lá sen

hạnh phúc đến từ hôm qua
khi em tặng anh nụ hôn ngắn nhất
gió mùa thu vừa chạm chỗ ta ngồi.

tiếp tục những vòng quay, tiếp tục cuộc đời
dẫu được mất cũng không nhiều ý nghĩa
em yên lặng tưởng chừng thành xa lạ
đến cùng anh mà chẳng nói yêu anh.

2015
Phan Thanh Bình

Tấm vé một chiều


Em cấp cho tôi tấm vé một chiều
chỉ đi tới không bao giờ trở lại
căn nhà ấm có em luôn đón đợi
ánh đèn vàng sau ô cửa màu xanh

đôi khi đời mệt mỏi chạy loanh quanh
tôi có cáu thì em luôn biết nhịn
đêm tôi thức, em cùng ngọn đèn thức
vì ngày mai, vì cả những ngày sau

có khi nào trong những giấc chiêm bao
em mơ thấy rằng tôi đang đổi khác
có khi nào trong những lần em nghĩ
“Giá như anh đừng quên…”

đã bao lần em dặn mà tôi quên
cứ quên mãi làm cho em tức giận
tôi giả lả làm hòa khi có lỗi
em bật cười trên khuôn mặt đang nghiêm

rồi cứ thế, từng ngày đi như thế
em nói yêu tôi, lại mắng tôi.

2015
Phan Thanh Bình

Khi em buông tay


Ừ, thì em cứ buông bỏ ta đi
ta trở lại ngôi nhà trong tiềm thức
nhắp chén trà đung đưa theo khói thuốc
nhớ cánh đồng con gái Thái Tuyên

tình yêu là một cõi ưu phiền
xa thì nhớ, gần thì quên bất chợt
em cứ ra đi như em chưa từng đến
như chưa từng gặp nhau ở ngã rẽ chung đường.

Ừ, thì em cứ buông bỏ ta đi
ta ngồi quán phong trần cùng đám bạn
nhắp một giọt café buồn đắng ngọt
nhớ ngọn lửa giữa đại ngàn và thiếu nữ Ban Mê

chẳng còn gì khi đã hết đam mê
em không còn giọt lệ nào để khóc
ta cũng chẳng có lời nào đưa đẩy
thôi chúng mình im lặng bước qua nhau.

Ừ, thì em cứ buông bỏ ta đi
ta sẽ yêu hơn những trẻ em đường phố
những đứa rạc chân bán từng tờ vé số
những đứa lang thang đánh giày

xứ sở gần xích đạo, mưa nắng cũng thất thường
lòng người cũng khi này, khi khác
ta lại sống như ngày em chưa đến
như kẻ yêu đời đi cướp bóc thiên nhiên.

Ta sẽ lại yêu hơn chính bản thân mình
yêu những thứ khi có em đã làm ta quên mất
học lại cách cùng mọi người chung sống
để quên đi khi em đã xa rồi.

2015
Phan Thanh Bình

Tuệ Mỹ - Bình bài thơ Đi tới mùa thu của Phan Thanh Bình

Tuệ Mỹ
Giáo viên Văn cấp Trung học cơ sở 
đã nghỉ hưu. Hiện ở Tuy Phước - Bình Định.

TM - Thơ làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp. Mà cuộc sống có tốt đẹp thì con ngựời mới hạnh phúc. Hai câu cuối bài thơ nghe như một lời cam kết giao cảm giữa Thơ với Đời. 


Đi tới mùa thu

Hiểu nỗi buồn của em nên anh không gặng hỏi
anh muốn mang mùa thu về trên vai em.
em đừng khóc vì ai nữa nhé
chỉ khóc vì anh và những lúc có anh thôi

anh đến bên em, quá khứ đã xa rồi
đừng nhắc lại những gì không trọn vẹn
dẫu có tiếc cũng chỉ là để tiếc
trong cuộc đời, ta có những lần đi.

Hãy cùng anh làm một chuyến đi dài
nơi xa nhất mà em chưa đến được
mở cánh cửa sớm mai là mỗi ngày mỗi khác
mỗi ngày em thêm có một lần anh

anh sẽ lắng nghe em từng tiếng thở
từng nhịp rung trên vai áo em gầy
ta phải đến được nơi ta cùng đến
em có mùa thu, anh có em.
2015
Phan Thanh Bình



LỜI BÌNH CỦA TUỆ MỸ

Nếu cái đích đến của Em là mùa thu thì cái đích của Anh là Em. Mà muốn có được Em thì Anh phải tìm hiểu Em. Khi đã "hiểu nỗi buồn của em", thì "anh không gặng hỏi" nữa mà chỉ dặn "em đừng khóc vì ai nữa nhé/chỉ khóc vì anh và những lúc có anh thôi". Nói như thế là Anh đã khẳng định quyền sở hữu Em và Em là đối tượng duy nhất mà Anh hướng tới. Rồi Anh lại mời Em "Hãy cùng anh làm một chuyến đi dài/Nơi xa nhất mà em chưa đến được". Đó là nơi mà mỗi ngày "mở cánh cửa sớm mai là mỗi ngày mỗi khác/mỗi ngày em thêm có một lần anh". Hóa ra Anh chính là mùa thu mà Anh hứa mang về cho Em. Vậy là cứ theo Anh "làm một chuyến đi dài" là Em đã "đi tới muà thu" rồi. 

Sao không đi tới mùa nào khác mà là "đi tới mùa thu"? Chẳng phải mùa thu là mùa của thi nhân? Đi tới muà thu là đi đến với thi nhân, là đi đến với Thơ. Vậy là bài thơ không dừng lại nói về tình yêu đôi lứa mà sâu xa hơn là nói lên mối quan hệ giữa Thơ và Cuộc sống. "Em có mùa thu" nghĩa là cuộc sống có Thơ, cuộc sống không thể thiếu Thơ. Vì Thơ biết "lắng nghe" "từng tiếng thở", "từng nhịp rung" của Em - Cuộc sống. Vì "Cảm động con người trước hết không gì bằng thơ" (Bạch Cư Dị), "Khi nốt nhạc (tiếng thơ) cất lên thì thế giới này hiền hơn một chút" (...). Ngược lại "anh có em" nghĩa là nhà thơ luôn bám rễ cuộc sống mà sáng tác. Hiện thực cuộc sống chính là nguồn phù sa màu mỡ bồi đắp tâm hồn thi nhân. 

Cuộc sống và Thơ là hai thế giới khác nhau nhưng có cùng một đích đến "Ta phải đến được nơi ta cùng đến". "Nơi ta cùng đến" phải chăng là Con Người?. Đúng thế, Thơ làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp. Mà cuộc sống có tốt đẹp thì con ngựời mới hạnh phúc. Hai câu cuối bài thơ nghe như một lời cam kết giao cảm giữa Thơ với Đời. 

Từ tên bài thơ cho đến những hình ảnh trong bài thơ đều mang ý nghĩa biểu trưng. Chính vì thế mà Đi tới mùa thu đã thể hiện nhiều tầng nghĩa sâu sắc. 

10/07/2015 
Tuệ Mỹ 


Không đề









Bài hát cũ bây giờ em hát lại. 

còn đâu anh mỗi chiều
đón em về vội vã

anh là người có lỗi
dù em đã khác xưa
sau mắt buồn ngấn lệ

anh đã đặt tình yêu
không nằm trên mặt đất
em đã lấy tình yêu
để kết thành tĩnh vật.

1993
Phan Thanh Bình


Khoảng sân trước nhà





Khoảng sân trước nhà
đi làm về, em vứt hư vô ở đấy
anh đi làm về cũng vứt hư vô ở đấy

hàng xóm nói lại:
- Khi anh chị vắng nhà, tôi nghe có tiếng cãi nhau.

Giật mình
lâu rồi chồng không thơm vợ
rùng mình
vợ đang có điều gì khó nói
để hư vô chồng vợ cãi nhau
ngay trong sân nhà mình.

2015
Phan Thanh Bình





Lời bình của Tuệ Mỹ

Nghe câu dân ca Nam trung bộ



Em chấp nhận bình yên không đánh đổi.

Ai? Cho hôm nay
Ai? Cho mai sau

câu dân ca không đủ mát trưa hè
cái nắng hanh gắt hơn thời của mẹ
đất chẳng hồn nhiên như thời của cha

anh hiểu lắm nỗi nhọc nhằn cây lúa
câu hát em cũng đắn đo theo mùa vụ
chiếc đòn gánh cong lên, mùa thu trĩu xuống
kĩu kịt tháng năm, phân mảnh đời người.

1993
Phan Thanh Bình

Lưu dấu mùa xuân


Con lại sống giữa nôn nao chợ tết
cánh hoa tươi thấm nước dịu hàng hoa
Cha bận viết thư cuối năm gửi bạn
xuân trước xuân sau khác nhau nhiều

lưu dấu mùa xuân con nhớ mãi
khi nắng tràn qua khe suối cạn khô
chim én vượt mùa đông về đồng bãi
ngôi nhà ta dựa lưng cánh rừng già

tuổi thơ con theo chú chuồn chuồn nắng
một đôi lần quên dép, cỏ mọc lên
Cha cao lớn tìm con chiều sắp tắt
mấy ngả đường đất sỏi chẳng có tên

góc bếp nhện giăng lửa khói vòng tròn
đêm xuân ấm Cha - con không sưởi lửa
sao trời trong mắt con rơi xuống nước
dễ nói như mùa xuân - Cha lặng im

con bên Cha hai mươi mùa xuân
Cha chỉ cho đi, riêng con được nhận
con thở khí trời, ngào hương đồng mật
trẻ như lòng con - lưu dấu mãi đời Cha.

1992
Phan Thanh Bình


Bài đã in trong Tuyển Tập 20 Năm Văn Học Bình Thuận 2002 với bút danh Thy Sinh

Clip bài thơ Lưu dấu mùa xuân do chính tác giả trình bày


Tuệ Mỹ - Bình bài thơ Khoảng sân trước nhà của Phan Thanh Bình



Tuệ Mỹ
Giáo viên văn cấp Trung học cơ sở 
đã nghỉ hưu. Hiện ở Tuy Phước - Bình Định.

TM - Khoảng sân trước nhà là một biểu hiện của cái "nghiêng" trong tâm hồn chồng vợ đã được cứu vãn bằng cái "giật mình" quý giá? Người đọc đón nhận Khoảng sân trước nhà như đón nhận một bông hoa thơm để tô điểm thêm cho ngôi nhà hạnh phúc của mình. 

Khoảng sân trước nhà

Khoảng sân trước nhà
đi làm về, em vứt hư vô ở đấy
anh đi làm về cũng vứt hư vô ở đấy.

Hàng xóm nói lại :
"Khi anh chị vắng nhà, tôi nghe có tiếng cãi nhau"
giật mình
lâu rồi chồng không thơm vợ
rùng mình
vợ đang có điều gì khó nói
để hư vô chồng vợ cãi nhau
ngay trong sân nhà mình.
2015
Phan Thanh Bình
(Rút từ tập thơ Phẳng & Nghiêng)


Lời bình của Tuệ Mỹ


Phan Thanh Bình là nhà thơ đương đại. Sáng tác của anh thường hướng về cuộc sống đời thường với tình yêu đôi lứa, với những đồng cảm sẻ chia những số phận cuộc đời bất hạnh. Ngòi bút của anh phần lớn đi sâu phản ánh những phức tạp trong đời sống tình cảm con người mà nhất là đời sống tình cảm vợ chồng. Bài thơ Khoảng sân trước nhà được rút ra từ tập thơ Phẳng & Nghiêng của anh là một bài thơ hay viết về đề tài này.

"Khoảng sân trước nhà" là một không gian nghệ thuật được tác giả chọn để thể hiện chủ đề bài thơ nên ngay từ đầu hình ảnh này đã xuất hiện rất tự nhiên. Điều gì xảy ra ở nơi đây?

em đi làm về vứt hư vô ở đấy
anh đi làm về cũng vứt hư vô ở đấy

Lúc "đi làm về" là lúc con người phải trải qua trạng thái mệt mỏi sau một ngày vất vả chạy tìm, toan lo cơm áo gạo tiền cho gia đình. Lúc này cáu giận, bực dọc... là điều không tránh khỏi. Nếu vợ chồng không sẻ chia, không thấu hiểu, không đồng cảm yêu thương thì nhất định sẽ xảy ra cãi nhau. Có lẽ tất cả cái "không" nêu trên được tác giả khái quát bằng một từ "hư vô". Vậy, lúc đi làm về Em và Anh đều "vứt hư vô ở đấy" nghĩa là vợ chồng đã cãi nhau trong sân nhà mình.
Thế rồi: 

Hàng xóm nói lại: 
"- Khi anh chị vắng nhà,tôi nghe có tiếng cãi nhau"

Câu thơ như được bao bọc một lớp vỏ "liêu trai". "Anh chị vắng nhà" thì ai "cãi nhau" với ai? Vậy, sau cái lớp vỏ liêu trai ấy là gì? Phải chăng đó là tâm thức bất an của chồng vợ khi đã "cãi nhau"? Đã cãi nhau thì làm sao mà "hàng xóm" không biết được? 

"Hàng xóm nói lại" phải chăng đó là tiếng vọng về của tâm thức chồng vợ trong giây phút nhìn lại mình để nhận ra hậu quả của "hư vô chồng vợ cãi nhau". Hóa ra khi cãi nhau, trong tâm thức chồng vợ vẫn ẩn hiện cái hậu quả: tai tiếng, đỗ vỡ gia đình. Tiếng vọng đó đã thức tỉnh con người khiến cho chồng "giật mình/Lâu rồi không thơm vợ". Có người vợ nào mà không muốn chồng "thơm" yêu thương, âu yếm, vỗ về? Có người vợ nào mà trong bao lo toan, nhọc nhằn vì chồng, vì con mà không muốn chồng mình "thầm hỏi" sẻ chia, thấu hiểu như thế này: 

"Anh ghì lấy bao nỗi lo toan đôi vai em gầy nhỏ 
Anh thầm hỏi đôi vai em thôi." 
(Thương em - Mai Văn Phấn) 

Vậy mà bấy lâu nay Anh đã "không" làm vậy.Anh đã "vứt" nó vào "hư vô". 

Còn vợ, lời "hàng xóm" cũng đã làm "rùng mình/vợ đang có gì khó nói" với chồng. Có bao giờ gần gũi, trò chuyện tâm tình với chồng đâu mà không "khó nói" những điều mình trăn trở. Vợ có biết không bất kỳ người chồng nào cũng muốn nghe vợ nói với mình câu này: 

"Anh yêu ơi hãy tha lỗi cho em 
Nếu đôi lúc giận hờn anh vô cớ 
Những bực dọc trong ngày vất vả 
Làm em buồn mà anh có vui đâu" 
(Xuân Quỳnh) 

Nếu người vợ nào cũng như thế thì chắc không có điều gì là "khó nói". Nhưng bao lâu nay em cũng đã "vứt" nó vào "hư vô" .

Dẫu biết rằng "Em là em,anh vẫn cứ là anh/Có thể nào qua Vạn lý trường thành/Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật" (Xuân Diệu) nhưng đã là vợ chồng thì phải có chung một nỗi niềm, có cùng một đích đến đó là gia đình, con cái, tương lai. Tổ ấm gia đình, cả vợ lẫn chồng phải có trách nhiệm xây dựng, vun đắp nên. "Anh đi làm" Em cũng "đi làm" chẳng phải vợ chồng đã cùng nhau hướng tới cái đích xây dựng gia đình no đủ về vật chất? Nhưng vật chất đầy đủ mà tinh thần lại thiếu thốn thì liệu gia đình có hạnh phúc hay không? Nếu chồng vợ cứ luôn "cãi nhau" thì làm sao có khái niệm hạnh phúc gia đình?. Vậy thì vợ chồng phải làm sao để duy trì hạnh phúc? .Trong bài thơ Tấm Vé Một Chiều nhà thơ Phan Thanh Bình cũng đã hé lộ bí quyết này: 

"Đôi khi đời mệt mỏi chạy loanh quanh 
Tôi có cáu thì em luôn biết nhịn 
Đêm tôi thức, em cùng ngọn đèn thức 
Vì ngày mai, vì cả những ngày sau" 

Và: 

"Tôi giả lả làm hòa khi có lỗi 
Em bật cười trên khuôn mặt trang nghiêm." 

Phải, trong cuộc mưu sinh vì cuộc sống gia đình, ai mà không mệt mỏi, không cáu, không giận hờn? Nhưng vợ chồng phải biết nhịn, biết làm hòa khi có lỗi để cho tiếng cười hạnh phúc bật lên sau bao nỗi toan lo gia đình. Lẽ ra điều này vợ chồng phải biết khi mới chung sống nhưng Anh và Em đã vứt nó vào hư vô để xảy ra "chồng vợ cãi nhau/ ngay trong sân nhà mình". Với cụm từ "ngay trong sân nhà mình" có phải nhà thơ muốn nhấn mạnh: những bất đồng dẫn đến đổ vỡ gia đình là do chính bản thân chồng vợ gây nên chứ không phải do nguyên nhân nào khác. Sở dĩ có sự cãi nhau vì mỗi người luôn xem cái tôi của mình quá lớn, không biết nhường nhịn nhau. Đến khi nghe lời hàng xóm nói, chồng mới giật mình tỉnh ngộ, vợ mới rùng mình sợ hãi. Liệu cái giật mình, rùng mình của họ có muộn chăng? Chưa đâu. Đó là cái giật mình kịp thời, cái rùng mình đúng lúc. Giây phút giật mình, rùng mình là giây phút con người biết dừng lại trong cuộc đua chen giữa bao bộn bề cuộc sống để nhìn lại mình mà suy ngẫm về hành xử của mình để nhận ra lỗi lầm mà điều chỉnh đúng lúc. Mâu thuẫn vợ chồng có thể dài theo năm tháng còn cái giật mình dù chỉ diễn ra trong khoảnh khắc thôi nhưng cũng kịp cứu vãn hạnh phúc gia đình đang đứng bên bờ vực thẳm. Cái giât mình, rùng mình của họ lúc này quý giá biết bao! Vì trong thực tế, có nhiều cặp vợ chồng cũng vì không biết giật mình đúng lúc nên đã để hạnh phúc gia đình tuột dốc. 

Bài thơ được mở đầu và kết thúc đều bằng hình ảnh "khoảng sân". Về nghĩa thực, sân là khoảng đất trống dùng làm phần phụ của nhà. Muốn vào nhà thì phải qua khoảng sân đó. Mà nơi đây, Anh và Em mỗi khi đi làm về đều "vứt hư vô ở đấy". Về nghĩa sâu xa, có phải qua hình ảnh "khoảng sân trước nhà", tác giả muốn gửi gắm một thông điệp cuộc sống: Muốn duy trì hạnh phúc gia đình bền vững (nhà), măc dù chồng vợ có khi phải trải qua thử thách (khoảng sân) nhưng phải biết giật mình tỉnh ngộ. "Khoảng sân trước nhà" là hình ảnh biểu trưng cho những chênh chao trong đời sống tình cảm vợ chồng. Còn giật mình, rùng mình chính là cái phao cứu vãn hạnh phúc gia đình khỏi ngã đổ. 

Bài thơ tuy không có nhạc điệu du dương, không có những mỹ từ trau chuốt nhưng thông điệp cuộc sống được gửi gắm trong bài thơ vô cùng thâm thúy nhờ ngôn từ, hình ảnh thơ mang nhiều ý nghĩa biểu trưng sâu sắc. Nếu trong một bài thơ khác, nhà thơ Phan Thanh Bình có nói "Thế giới phẳng/Tâm hồn ta nghiêng" thì phải chăng Khoảng sân trước nhà là một biểu hiện của cái "nghiêng" trong tâm hồn chồng vợ đã được cứu vãn bằng cái "giật mình" quý giá? Người đọc đón nhận Khoảng sân trước nhà như đón nhận một bông hoa thơm để tô điểm thêm cho ngôi nhà hạnh phúc của mình. 

11/10/2015 
Tuệ Mỹ 

Phẳng & nghiêng

Đọc sách
em hiện lên trong ký ức
trong trang văn của anh luận về kinh tế học

"Thế giới phẳng"
tâm hồn ta nghiêng
làm sao vượt qua vách đá cuộc đời?

em vẫn trêu anh
bằng nụ cười
tỏa nắng.

2015
Phan Thanh Bình


Ngoặc kép: Ý tưởng của nhà báo Thomas Friedman trong tác phẩm “The World Is Flat”




Bản tiếng Anh 

FLAT & LEAN

Reading books
you appeared in the memories
in my economic memoir

"The world is flat"
our souls are leaning
how to come through the hard rock of life?

You still jape me
by your sweet beams
shined through.

2015
Phan Thanh Bình


" " Thomas Friedman in "The world is flat"

Viết bên dòng Cà Ty

                      Tặng Minh Quang

Đời có lắm nghề sao anh lại làm thơ
Tôi vẫn nghĩ anh đang trên bục giảng
say sưa kể về Nguyễn Trãi ở Đông Quan
nguyễn Du từng đi sứ

không. Anh không muốn nói về những điều đã cũ
để chân trời cho những cánh chim bay

Tôi biết anh tiếc nuối
trong câu thơ không biên giới ngôn từ
Tuổi thơ đi qua anh thấy mình được - mất?
gió đại ngàn đang thổi chúng ta đi

sao anh không một lần thăm nước Pháp
đi dọc sông Seine những buổi chiều vàng.
đến bảo tàng Louvre ngâm khúc trầm mặc tưởng
ngắm thiếu nữ Paris lãng mạn trên cầu Pont Neuf

Tôi biết anh suy tư
bên dòng Cà Ty nắn mình qua Phan Thiết
nhọc nhằn câu thơ nhập thế đời thường
Mùa thu thị thành có điệp khúc không anh?

sao anh không một lần thăm nước Nga
ngắm sông Volga tuyệt trần trong nắng tuyết.
thức cùng hoàng hôn đêm trắng St. Petersburg
nghe tiếng đàn acordeon để quên nỗi nhớ nhà

Anh cứ mặc nhiên làm thơ, mặc nhiên không cần ai biết
bên dòng Cà Ty chan chát mặn bốn mùa
vì người thiếu nữ năm xưa?
hay số phận buộc anh ở nơi này?
Tôi chẳng biết.

Tôi chỉ biết câu thơ anh chan chát mặn
ngược gió sông Mường
ngập ngừng Phan Thiết.

2015
Phan Thanh Bình


Tuổi thơ đi quaMùa thu thị thành là tên các tập thơ của Minh Quang xuất bản năm 1993 và 2006.

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

BÌNH BÀI THƠ "NGƯỜI SÀI GÒN THANH HẬU" CỦA PHAN THANH BÌNH


NGƯỜI SÀI GÒN THANH HẬU

Nhà bám theo đường, người bám phố
Cộng sinh từ thuở lập điền.
Đất Sài Gòn không kiêu bạc
Cho anh về bên em.

Đường là nơi kiếm sống
Phố làm chỗ dung thân.
Ai cũng là quen biết
Nhưng chẳng ai biết mình.

Em sống trong đời phố.
Phố che chở đời em
Từ khi anh đến nữa
Thành một cõi nhân tình.

Người Sài Gòn thanh hậu
Sống mãi trở lên quen
Bất chợt hôm nay nhớ
Mình ở đây lâu rồi.

                            2015
       Phan Thanh Bình
(trích trong tập PHẲNG & NGHIÊNG)



Tuệ Mỹ
giáo viên Văn cấp Trung học cơ sở 
đã nghỉ hưu. Hiện ở Tuy Phước - Bình Định.


Thơ viết về Sài Gòn: "Sài Gòn thương mến" (Nguyễn Tường Thụy), "Nhớ Sài Gòn" (Hải Yến), "Sài Gòn chiều mưa" (Bùi Nguyễn Trường Kiên), "Về với Sài Gòn" (Huy Uyên).... Đúng là "Sài Gòn của cõi thơ không cùng, của những chân trời thi ca bao la" (Nguyễn Mạnh Trinh). Phan Thanh Bình, một nhà thơ đương đại cũng đã góp vào "cõi thơ không cùng" đó bài thơ "Người Sài Gòn Thanh Hậu" (Rút từ tập PHẲNG & NGHIÊNG của chính tác giả).


Ngay tiêu đề "Người Sài Gòn Thanh Hậu" đã thấy nhà thơ Phan Thanh Bình hướng ngòi bút của mình về con người Sài Gòn với vẻ đẹp tâm hồn và đời sống tình cảm của họ để thể hiện tình yêu đối với Sài Gòn. Con người Sài Gòn phải sống trong điều kiện sống như thế nào? Ngay câu mở đầu bài thơ, tác giả đã cho ta thấy điều đó : 
"Nhà bám theo đường, người bám phố"
"Nhà", "phố" là nét đặc thù của đô thị. Các nhà thơ khác khi nói về "phố" Sài Gòn là nói đến "phố xá đông vui tấp nập dòng người" (Hải yến), nói đến "nhà" Sài Gòn là nói đến cao ốc, biệt thự, buyn-đinh hoa lệ. Còn ở đây, Phan thanh Bình chỉ nói đến mối quan hệ giữa con người với "nhà", "phố" Sài Gòn, nơi "đất ở" của con người. Nhà thì "bám" theo đường, người thì "bám" phố. Vâng, "bám", tưởng chừng như không gì gắn kết bền chặt hơn giữa người với nơi đất ở như thế. Cũng giống như cây thì phải "bám" đất mới có nguồn dinh dưỡng, người ở nông thôn phải "bám" ruộng vườn mới có cái ăn, người Sài Gòn phải "bám" phố mới sinh tồn. Đó là lẽ tự nhiên của quy luật cuộc sống. Con người khắp nơi hội tụ về Sài Gòn để "cộng sinh" không biết tự bao giờ, có lẽ từ thưở "lập điền" đã có sự "cộng sinh" này rồi.

"Miền Nam là đất lành thì Sài Gòn đứng ở góc độ nào đó cũng là một đô thị hiền hòa" (Minh Hương). Cùng với nhận xét trên, Phan Thanh Bình cũng đã khẳng định 
"Đất Sài Gòn không kiêu bạc
Cho anh về bên em"
Phải, "Đất Sài Gòn không kiêu bạc", Sài Gòn luôn dang rộng hai cánh tay mà đón con người từ mọi miền đất nước về sinh sống nơi này. Đó là nơi gặp gỡ của tình yêu đôi lứa "Cho anh về bên em". Đó còn là nơi gặp gỡ của tình người. Không phân biệt là người Bắc hay Trung, Nam, không phân biệt người vùng miền nào mà chỉ biết ai sống nơi đất Sài Gòn là "người Sài Gòn". Một nhà thơ khác cũng đã nói về điều này :"Sài Gòn yêu người đã xa/ Sài Gòn cũng yêu người vừa tới/ Sài Gòn yêu người ở lại/ Sài Gòn cũng yêu người sắp đi". 

Nếu ở nông thôn mảnh vườn, thửa ruộng, dòng sông là nơi kiếm sống và làng mạc là chỗ dung thân của người miền quê thì Sài Gòn :
"Đường là nơi kiếm sống
Phố là chỗ dung thân"
Hai câu thơ tuy không có yếu tố miêu tả nào nhưng có sức gợi rất lớn về khung cảnh sầm uất, phố phường đông đúc tấp nập ồn ào cảnh buôn bán, đường phố thì nườm nượp xe cộ ngược xuôi. Phải chăng đó là cảnh con người "kiếm sống"? Mà nơi nào cho họ cái để sống thì nơi đó là chỗ để họ "dung thân". Cái tài của nhà thơ ở chỗ tuy không nói đến từ "đô thị","thành thị" nhưng cái chất "thị" ở đô thành Sài Gòn như hiển hiện ở hai câu thơ trên. 
"Ai cũng là quen biết
Nhưng chẳng ai biết mình"
Hai câu thơ, mới đọc qua, người đọc như nhận ra một điều nghịch lý: "quen biết" mà sao lại "chẳng ai biết mình". Lạ thật đấy! Nhưng bóc cái "lạ" ở lớp vỏ ngôn từ, người đọc bắt gặp cái rất "quen" trong tính cách con người Sài Gòn. Đó là sự thân thiện cởi mở, là lòng tốt và sự rộng dung. Mặc dù là dân tứ xứ nhưng khi đã gặp gỡ giao tiếp, họ luôn đối xử với nhau bằng sự chân thành, cởi mở, bộc trực, sẵn sàng đùm bọc cưu mang "Ai cũng là quen biết". Nhưng không xét nét, tò mò đời tư của người khác "Chẳng ai biết mình". Chân tình, cởi mở, bao dung, đó là bản sắc của người Sài Gòn. Người Sài Gòn còn có một điểm chung:
"Em sống trong đời phố
Phố che chở đời em
Từ khi anh đến nữa
Thành một cõi nhân tình"
"Đời phố - Đời em", giữa đất và người luôn có sự gắn bó với nhau đời kiếp vững bền. "Đời em" có tồn tại bền lâu là nhờ tấm lòng bao dung "che chở" của "đời phố" Đất Sài Gòn nhân hậu là thế! Không chỉ che chở cho "đời em" thôi đâu, Sài Gòn còn che chở cho đời anh, che chở cho bất cứ ai "đến" "cộng sinh" ở mảnh đất này. Còn nhớ câu "Đất lành chim đậu". Sài Gòn quả là "đất lành" để con người "dung thân" tạo "Thành một cõi nhân tình". Từng nghe nói "cõi đời", "cõi tiên", "cõi mộng" chứ "cõi nhân tình" thì mới biết lần đầu ở thơ Phan Thanh Bình. "Cõi" gợi lên ý niệm về một không gian trang trọng, thiêng liêng. Mà "nhân tình", tình người là giá trị tinh thần cao quý, thiêng liêng thì thiết tưởng không gì thích hợp hơn khi đưa "nhân tình" vào "cõi". Phải, đối với nhà thơ, đất Sài Gòn không chỉ đơn thuần là "đất ở" mà còn là "cõi nhân tình" cao đẹp đáng trân trọng. Và cũng với một thái độ trân trọng nhà thơ khẳng định:
"Người Sài Gòn thanh hậu"
Lời nhận xét bao bọc một tình yêu mến, trân trọng người Sài Gòn. Đúng vậy, người Sài Gòn rất "thanh lịch" "nhân hậu". Ngòi bút của nhà thơ hướng về cái "hậu", cái đẹp trong tính cách con người Sài Gòn hơn bởi lẽ họ sống trong "cõi nhân tình" mà. Đây là lời nhận xét của Em, của Anh hay của người ngoài cuộc? Hãy đọc những dòng thơ tiếp:
"Sống mãi trở lên quen
Bất chợt hôm nay nhớ
Mình ở đây lâu rồi."
Người (nhân vật trữ tình-nhà thơ) đưa ra lời nhận xét trên không phải là người sinh ra ở đất Sài Gòn, chỉ là người sống "ở đây lâu rồi". Vì sống "lâu", "sống mãi" ở nơi này nên "trở lên quen", trở thành người Sài Gòn tự bao giờ mà không hay cho đến khi "Bất chợt hôm nay nhớ". Cái "bất chợt" của anh thật ngớ ngẩn nhưng cũng thật đáng yêu vì nó hồn nhiên quá. Cái hồn nhiên của người Sài Gòn.

Bộc lộ tình yêu đối với Sài Gòn các nhà thơ có những cách nói riêng.Có người bộc lộ nỗi nhớ niềm thương qua phố phường nhà cửa Sài Gòn, qua cái tấp nập ồn ào của dòng xe cộ. Có người lại chọn cái mưa, cái nắng Sài Gòn để gửi gắm nỗi niềm. Hoặc ghế đá công viên, con đường, góc phố, quán xá... Nhưng Phan Thanh Bình không thế, anh chọn "người Sài Gòn" để thể hiện tình yêu. Chính vì thế mà Người Sài Gòn Thanh Hậu của anh khi đứng bên nhiều bài thơ khác của các nhà thơ khác nó không lẫn, không lặp, không nhàm. Nó mang một nét rất riêng, "rất Phan Thanh Bình".

Không chỉ có nét riêng trong việc chọn đối tượng thể hiện ý tưởng mà anh còn có nét riêng trong cách thể hiện. Không bóng bẩy ở ngôn từ, không du dương ở âm điệu, thơ anh luôn mang một giọng điệu dứt khoát, sắc gọn, ngôn ngữ rất đời thường nhưng cũng rất thơ, hình tượng thơ luôn mang nhiều ý nghĩa biểu trưng sâu sắc. Riêng ở bài thơ này, anh có sử dụng một số từ Hán Việt: lập điền, cộng sinh, kiêu bạc, nhân tình, thanh hậu chắc không ngoài mục đích bộc lộ thái độ trân trọng đối với "người Sài Gòn thanh hậu"

"Sài Gòn bây giờ thành phố đã đổi tên/Tôi vẫn muốn gọi bằng cái tên thương mến cũ", Nguyễn Tường Thụy đã nói như thế. Chắc nhà thơ Phan Thanh Bình cũng muốn như vậy nên cái tên Sài Gòn, "cái tên thương mến cũ" cứ vang lên một cách trìu mến, tự hào trong thơ anh. Bởi thế Người Sài Gòn Thanh Hậu là tiếng lòng tha thiết của anh đối với Sài Gòn, một "cõi nhân tình" đầy kiêu hãnh.

Tuệ Mỹ 28/10/2015